BÀN VỀ KHẾ ƯỚC XÃ HỘI

CÙNG BẠN ĐỌC

Luận văn nhỏ này trích từ một công trình nghiên cứu rộng hơn mà trước kia tôi đã tiến hành nhưng chưa lượng sức mình nên phải bỏ đi từ lâu. Những đoạn rút ra đây là những đoạn khá nhất mà tôi có thể yên tâm trình bày với công chúng. Những phần khác không còn nữa.


QUYỂN THỨ NHẤT

Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có chăng một số qui tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người; và có chăng những luật pháp đúng với ý nghĩa chân thực của nó. Trong bài nghiên cứu này tôi gắn liền cái mà luật pháp cho phép với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau.

Tôi đi ngay vào đề mà không chứng minh tầm quan trọng của đề tài. Người ta sẽ hỏi tôi có phải là vị nguyên thủ hay nhà lập pháp không mà viết về chính trị thế này? Tôi trả lời: Không; và chính vì thế mà tôi viết về chính trị. Ví phỏng tôi là nguyên thủ hay nhà lập pháp thì tôi chẳng mất công nói lên cái mà tôi phải làm, tôi cứ việc làm hoặc là cứ lặng thinh mà thôi.

Sinh ra là công dân của một nhà nước tự do, thành viên của một cộng đồng có chủ quyền, dù cho tiếng nói của tôi chỉ ảnh hưởng yếu ớt tới công việc chung, tôi cũng có quyền được chọn lựa đối với công việc chung, vì vậy tôi tự đặt cho mình nghĩa vụ phải tìm tòi, học hỏi vấn đề này. Sung sướng biết bao mỗi lần tôi suy tư về các nền cai trị quốc gia, vài tìm thấy những lý do mới để yêu sự cai trị ở xứ sở mình. (2)

1. CHỦ ĐỀ CỦA QUYỂN THỨ NHẤT

Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích (ND) [1*] - Có kẻ tưởng mình là ông chủ, mà thật ra còn nô lệ hơn cả tôi tớ của họ. Sự chuyển hoá đó được thực hiện như thế nào ? Tôi không biết. Cái gì đã làm cho sự chuyển hoá đó trở thành chính thức? Tôi tin rằng câu hỏi này có thể giải đáp được. Nếu tôi chỉ xem xét về lực và hệ quả của lực thì tôi sẽ nói rằng: Khi nhân dân bị cưỡng bức mà lại biết phục tùng, họ làm thế là phải; nhưng nếu có thể hất cái ách áp bức đó thì còn hay hơn nữa; vì thế là họ giành lại tự do mà họ vốn có quyền được hưởng, có quyền giành lại và không ai được tước đoạt tự do của họ.

Trật tự xã hội là một thứ quyền thiêng liêng làm nền tảng cho mọi thứ quyền khác. Nhưng trật tự xã hội không phải tự nhiên mà có, nó được xác lập trên cơ sở những công ước. Vậy phải tìm hiểu công ước đó là gì? Trước khi tìm đến chỗ hiểu tôi phải xác định cái mà tôi vừa mới nêu ra.

2. CÁC XÃ HỘI ĐẦU TIÊN

Trong tất cả các thứ xã hội chỉ có xã hội của gia đình là lâu đời nhất và hợp với tự nhiên nhất (ND) . Trong một gia đình chừng nào con cái còn cần có cha mẹ để sống, thì chúng phải cột chặt với cha mẹ. Khi chúng đã trưởng thành, sự cần thiết ấy không còn nữa thì mối liên hệ kia cũng khác đi. Lúc đó con không nhất thiết phải nghe theo cha, cha không nhất thiết phải chăm sóc. Cha và con đều hoàn toàn độc lập. Nếu cha con còn ở chung với nhau, đó không phải là tự nhiên mà là tự nguyện; và chính bản thân gia đình cũng chỉ tồn tại bằng qui ước.

Tự do là từ bản chất con người mà có. Luật đầu tiên của tự do là mỗi người phải được chăm lo sự tồn tại của mình. Những điều quan tâm đầu tiên là quan tâm đến bản thân. Ở tuổi lí trí, con người phải tự mình định đoạt các phương tiện sinh tồn của mình, và do đó tự mình làm chủ lấy mình.

Như vậy, ta có thể coi gia đình là mô hình đầu tiên của các thứ xã hội chính trị; cha là hình ảnh của người thủ lĩnh, con cái là hình ảnh của dân chúng. Thủ lĩnh cũng như dân chúng đều sinh ra bình đẳng, tự do, và họ chỉ từ bỏ quyền tự do của họ khi phải lo toan lợi ích của bản thân họ mà thôi. Tất cả sự khác biệt giữa gia đình và xã hội là ở chỗ: trong gia đình tình thương của cha đối với con tương ứng với sự chăm sóc; còn trong xã hội: người thủ lĩnh không có tình thương như vậy đối với dân chúng; thay vào đó là cái sở thích được điều khiển mọi người.

Grotius (3) cho rằng quyền lực con người đặt ra không phải là vì lợi ích của những kẻ bị trị. Ông lấy chế độ nô lệ làm ví dụ. Cách lý giải nhất quán của ông là đặt quyền hành trên cơ sở của thực tế [2*].Đó chính là cách làm của Grotius. Người ta có thể dựng những biện pháp nhất quán, mà không có lợi cho bọn bạo chúa. Grotius đặt vấn đề loài người phụ thuộc vào khoảng một trăm nhà cai trị, hay một trăm nhà cai trị ấy phụ thuộc vào loài người? Trong toàn bộ cuốn sách của mình Grotius ngả theo thuyết thứ nhất (loài người phụ thuộc vào các nhà cai tri). Đó cũng là quan điểm của Hobbes (4), loài người được coi như những đàn súc vật, mỗi đàn có người chăn. Anh ta chăm sóc chúng để rồi sẽ ăn thịt chúng.

Như người chăn cừu có bản chất cao quí hơn đàn cừu, các nhà cai trị chăn dân cũng phải có bản chất cao quí hơn dân chúng. Vua Caligula (5) cùng với Philon (6) đã lý giải như trên, Họ coi vua như Trời và dân chúng như súc vật.

Cách lập luận của Caligula được truyền tới Hobbes và Grotius. Trước họ rất lâu, Aristote (7) cũng đã nói rằng con người vốn không bình đẳng, có kẻ sinh ra làm nô lệ, có kẻ sinh ra để trị vì. Aristote nói có lý, nhưng ông đã lấy kết quả làm nguyên nhân. Bất cứ ai sinh ra trong hàng nô lệ thì đều là nô lệ; nói thế chẳng sai tí nào. Trong xiềng xích, người nô lệ mất hết mọi thứ, mất cả nguyện vọng thoát khỏi xích xiềng. Họ thích tận tụy phục vụ như những người tùy tùng Ulysse (8) yên phận với sự ngu dân của mình [3*].

Sở dĩ có người nô lệ bẩm sinh là vì trước đó đã có những người nô lệ không bẩm sinh (ND). Họ bị cưỡng bức làm nô lệ, rồi do tính hèn nhát mà họ thành ra nô lệ mãi.

Tôi chưa nói gì về vua Adam (9) hoặc hoàng đế Noé (10), thân sinh của ba vị lãnh chúa chia nhau trị vì vũ trụ như các con của thần Saturne (11) mà ngày nay người ta cứ tin rằng mình là hiện thân của các vị ấy.

Tôi có thể suy diễn ra rằng tôi là cháu chắt của các ông vua nói trên và có thể cháu chắt ngành trưởng nữa kia, nhưng tại sao bây giờ tôi lại chẳng phải là vua của loài người? Dầu sao, ta không thể chồi cãi rằng Adam chỉ cai quản một thế giới giống như anh chàng Robinson (12) cai quản hòn đảo hoang vu của y. Adam được cái thuận lợi là trong vương quốc của ông không sợ gì giặc cướp, chiến tranh và âm mưu thoán đoạt.

3. QUYỀN CỦA KẺ MẠNH

Kẻ mạnh không phải lúc nào cũng đủ mạnh đề mãi mãi làm người thống trị, nếu như hắn ta không chuyển lực thành quyền và chuyển sự phục tùng thành nghiã vụ (ND). Do đó mà có cái quyền của kẻ mạnh, một thứ quyền lực trớ trêu được thiết lập thật sự trên nguyên tắc. Nhưng có ai đã giảng giải cho ta về hai chữ "quyền lực" ?.

Lực là một sức mạnh vật lý. Tôi chẳng thấy chút đạo đức nào ở trong lực. Chịu theo lực là một cử chỉ bắt buộc chứ phải đâu là tự nguyện. Nói đúng hơn, đó là một cử chỉ khôn ngoan, chẳng có ý gì là nghĩa vụ cả.

Hãy nói về chữ "quyền" . Tôi cho rằng quyền chỉ là hệ quả của một thứ khái niệm hồ đồ mà thôi. Nói lực tạo ra quyền là không đúng. Khi lực thứ hai mạnh hơn lực thứ nhất, tự nó sẽ vượt lên ngôi mà nắm lấy quyền. Một khi cưỡng lại sức mạnh mà không bị trừng phạt thì người ta cứ việc cưỡng. Và vì rằng kẻ mạnh luôn luôn có lý thì người ta chỉ cố sức làm cho mình thành kẻ mạnh là đủ rồi. Vả lại quyền sẽ mất khi lực không còn nữa: quyền đó là cái gì? Nếu đã phải phục tùng theo lực, thì người ta cần gì phải phục tùng theo quyền và một khi không bi lực ép nữa thì người ta không cần phải phục tùng nữa.

Như vậy ta thấy rõ chữ quyền không thêm gì cho chữ lực cả. Chữ "quyền" không có nghĩa lý gì hết! Hãy tuân theo sức mạnh. Lời khuyên này là tốt, nhưng thừa, nếu nó có nghĩa là hãy chịu theo lực. Vì đã là lực thì không chịu theo cũng không được.

Tôi nhận thấy rằng tất cả sức mạnh đều do Trời, nhưng tất cả bệnh tật cũng từ Trời mà ra, thế mà có ai cấm ta mời thầy thuốc chữa bệnh đâu! Ví phỏng tôi bị tên cướp tóm cổ trong một góc rừng, tôi đành phải nộp của cho hắn. Nhưng nếu tôi đủ sức trừ khử hắn thì việc gì tôi phải tự nguyện nộp của? Chỉ tại khẩu súng trong tay thằng cướp cũng là một lực.

Vậy ta có thể kết luận rằng : lực không làm nên quyền, và người ta chỉ bắt buộc phải phục tùng khi mà sức mạnh đã thành hợp pháp. Thế là vấn đề đầu tiên của tôi vẫn luôn luôn được đặt trở lại.

4. NÔ LỆ

Không ai tự nhiên có quyền uy đối với đồng loại, thế mà lực thì chúng sinh ra quyền: vậy chỉ có những công ước (convention) là có thể làm cơ sở cho mọi quyền uy chính đáng giữa người với người mà thôi.(ND)

Grotius nói: Đã có người tử bỏ quyền tự do để làm nô lệ cho một ông chủ, thì cả một dân tộc sao lại không thể từ bỏ quyền tự do để làm thần dân của một ông vua ?

Trong câu nói này có khá nhiều chữ hồ đồ cần phải giải thích rõ. Nhưng ta hãy xoáy vào hai chữ "Từ bỏ". Từ bỏ có thể là cho, hoặc bán . Một con người chịu làm nô lệ chẳng tự đem mình mà cho không: anh ta bán mình để được sinh tồn. Còn một dân tộc thì việc gì mà phải tự bán mình. Dù là ông vua có cung cấp cho thần dân điều kiện sinh tồn, thì chính ngay nhà vua cũng được sinh tồn nhờ có thần dân. Rabelais (13) đã phân tích : nuôi sống một ông vua nào có ít ỏi gì ? Chẳng lẽ các thần dân hiến mình cho vua mà còn để vua lấy nốt cả tài sản của mình ư ? Thế thì về phần họ còn lại được cái gì nữa!

Người ta sẽ nói rằng dân được vua bảo đảm sự yên tĩnh. Ừ, cứ cho là như thế đi; nhưng dân chúng được gì nếu vua gây ra chiến tranh để thoả lòng tham, nếu ông ta thích vơ vét, nếu thói phiền hà trong nội các gây ra tranh chấp, phân liệt? ,và dân chúng sẽ được gì nếu ngay cả sự yên tĩnh cũng chỉ là yên tĩnh trong nghèo khổ? Nằm trong ngục tối người ta vẫn thấy yên tĩnh. Cái yên tĩnh ấy có ai thích thú? Dân Hi Lạp bị giam trong hang của thần Cyclope (14) cũng sống yên tĩnh để chờ ngày bị thần ăn thịt .

Nói rằng một người tự đem mình mà cho không, đó là chuyện hồ đồ không thể chấp nhận được. Cử chỉ ấy là không hợp lý và vô nghĩa. Kẻ nào làm thế là kẻ mất trí . Nói rằng có một dân tộc tự hiến thân vô điều kiện tức là giả đinh rằng dân tộc ấy điên rồ. Cái điên rồ không tạo nên quyền gì cả.

Nếu một người có thể tự từ bỏ mình, thì anh ta cũng không thể từ bỏ con cái. Chúng sinh ra vốn là người, và là người tự do. Tự do thuộc về chúng, không ai có quyền hưởng tự do hơn chúng. Trước khi chúng trưởng thành, người cha có thể nhân đanh chúng mà bố trí điều kiện sinh tồn, mưu hạnh phúc cho chúng, chứ không thể đem con mà cho không, cho hẳn đi. Cho như thế là trái ngược với tự nhiên và vượt quá quyền của người cha. Vậy muốn một chính phủ độc tài trở thành chính đáng, thì mỗi thế hệ dân chúng phải có quyền chấp nhận hoặc chối bỏ chính phủ. Nhưng như thế thì chính phủ ấy không còn là độc tài nữa.

Từ bỏ tự do của mình là từ bỏ phẩm chất con người, từ bỏ quyền làm người và cả nghĩa vụ làm người. Không thể không có tí đền bù tất yếu nào cho người đang từ bỏ tất cả. Bản chất con người không thể dung hòa với sự từ bỏ vô điều kiện như thế. Làm cho ý chí con người mất hết tự do tức là tước bỏ đạo lý trong hành động của con người. Cuối cùng, thật là mâu thuẫn và vô nghĩa nếu ta ghi vào công ước một bên là quyền hành tuyệt đối và bên kia là sự phục tùng vô hạn độ. Anh không có trách nhiệm gì đối với người mà anh có quyền đòi hỏi tất cả ư? Cái điều kiện đơn phương ấy, không có gì bù lại, không có vật ngang giá, sẽ làm cho điều khoản ký kết mất hết ý nghĩa. Người nô lệ của tôi có quyền gì chống lại tôi không? Tất cả mọi thứ của hắn đều thuộc về tôi cả, thì quyền của hắn cũng là quyền của chính tôi. Quyền của tôi để chống lại tôi? Thật là điều vô nghĩa!

Grotius (3) và một số người khác cho rằng nguồn gốc của quyền nô lệ từ chiến tranh mà ra. Kẻ thắng trận có quyền giết kẻ thua trận. Kẻ thua trận có thể đổi tự do của mình để chuộc lấy mạng sống. Thế là công ước chiếu cố lợi ích của cả hai bên, trở thành chính đáng.

Nhưng cái quyền được giết kẻ bại trận chỉ là mạo nhận mà thôi. Tình trạng chiến tranh không có cách gì để dẫn tới cái quyền ấy. Con người sống trong tình trạng độc lập nguyên thủy không hề có mối quan hệ thường xuyên để xác đinh trạng thái hòa bình hoặc chiến tranh; họ không là kẻ thù của thau. Làm nên chiến tranh là do quan hệ giữa sự vật với sự vật chứ không phải do quan hệ giữa người với người. Tình trạng chiến tranh chỉ tạo ra những quan hệ thực tế chung, chứ không tạo ra quan hệ cá nhân đơn thuần. Không thể có chiến tranh cá nhân trong trạng thái tự nhiên chưa ai có sở hữu thường xuyên, cũng như không thể có chiến tranh cá nhân trong trạng thái xã hội mà mọi người đều sống dưới quyền uy của luật pháp.

Những cuộc ẩu đả, đấu gươm, va chạm chỉ là những hành vi cá nhân chứ không phải một trạng thái xã hội. Ở nước Pháp dưới thời vua Louis IX cho phép tiến hành các cuộc chiến tranh tư nhân, sau cũng bãi bỏ. Đó chỉ là sự lạm dụng của chính phủ phong kiến, một thể chế hàm hồ, trái với nguyên tắc qui luật tự nhiên và trái với mọi thể chế chính phủ (politie) [4*] lành mạnh.

Chiến tranh không phải là quan hệ một người với một người, mà là quan hệ giữa quốc gia với quốc gia (ND).Trong chiến tranh, những con người cá biệt trở thành kẻ thù của nhau không phải với tư cách con người hay tư cách công dân [5*]mà là với tư cách người lính bảo vệ tổ quốc.

Chàng Caton con tham gia lữ đoàn của Popilius: khi lữ đoàn này cải tổ, ông Caton cha liền viết thư cho Popilius nói rõ: Nếu muốn tiếp tục dùng con trai ông dưới trướng thì phải cho anh ta tuyên thệ lại, vì lời tuyên thệ trước kia đã hết giá trị sau khi cải tổ lữ đoàn; nếu không tuyên thệ thì anh ta không đủ tư cách cầm vũ khí chống quân thù. Ông cũng viết thư cho con, dặn rằng không được ra trận nếu chưa tuyên thệ lại. Tôi biết rằng người ta sẽ bài bác ý kiến này bằng cách kể lại trận bao vây Clusium và một số chuyện lẻ tẻ khác; nhưng ở đây tôi chỉ nói về luật và tập quán chiến tranh. Người La Mã rất ít khi làm trái luật lệ của mình, và họ là dân tộc duy nhất có nhiều luật lệ này.

Một nước thù địch với một nước chứ không thể thù nghịch với những con người, vì giữa các vật thể khác loại, khác chất không thể xác định một mối quan hệ thật sự nào cả.

Nguyên tắc nói trên cũng phù hợp với châm ngôn của các thời đại và thực tiễn của mọi dân tộc đã khai hóa. Những lời tuyên chiến là tuyên với nhà nước chứ không phải với thần dân. Một người nước ngoài, là vua hay là dân, mà lấy cắp hoặc bắt giữ hoặc giết những công dân của một nước, nhưng không tuyên chiến với chính phủ nước đó, thì chỉ là một tên cướp, chứ chưa phải là kẻ thù của cả quốc gia. Khi xảy ra chiến tranh, ông vua tiến quân vào nước địch có thể chiếm đoạt mọi thứ thuộc về của chung cả nước; nhưng ông ta phải tôn trọng của cải tư nhân, là vì ông ta tôn trọng các quyền đối với chính của cải bản thân ông ta: Chiến tranh kết thúc tức là nước địch bị diệt; người ta có quyền giết những người đang cầm vũ khí kháng cự lại; một khi họ đã hạ vũ khí và đầu hàng thì họ không còn là kẻ thù hoặc công cụ của kẻ thù nữa, họ trở thành những người bình thường, và người ta không có quyền tiêu diệt sinh mạng họ. Nhiều khi người ta tiêu diệt một nước mà không giết một thành viên nào của nước đó. Chiến tranh không đặt ra những thứ quyền không cần thiết cho sự kết thúc chiến tranh.

Nguyên tắc chiến tranh không phải do Grotius, cũng không phải do các nhà thơ uy danh đặt ra, mà được rút từ bản chất của sự vật và được xác định qua lý tính.

Nói về quyền chinh phục thì cơ sở của nó cũng không ngoài cái luật của kẻ mạnh. Nếu chiến tranh không cho phép người chiến thắng có quyền được giết hàng loạt dân bại trận, thì cái quyền mà họ không có đó làm sao dẫn tới cái quyền bắt người ta làm nô lệ cho mình được? Người ta chỉ có quyền giết kẻ thù khi không thể bắt họ làm nô lệ. Cái quyền bắt họ làm nô lệ không xuất phát từ quyền được giết. Đã không có quyền đối với sinh mạng người ta mà bắt người ta đổi tự do để chuộc sinh mạng thì thật là một cuộc đổi chác bất công. Đặt quyền nô lệ trên cơ sở quyền sinh tử, hay đặt quyền sinh tử trên cơ sở quyền nô lệ thật là rơi vào cái vòng luẩn quẩn.

Giả thiết kẻ chiến thắng không có cái quyền ghê tởm là giết tất cả người chiến bại; vậy thì dân tộc chiến bại, người bị bắt lắm nô lệ còn có phận sự gì với kẻ chiến thắng? Họ chỉ tuân theo khi bị cưỡng bức. Kẻ chiến thắng không ra ơn mà chỉ nắm lấy một vật ngang giá với sinh mạng của người chiến bạl; giết chết nó mà không thu lại kết quả gì thì hãy "giết" một cách có ích còn hơn. Không thu lại một quyền uy gì gắn với sức mạnh, tình trạng chiến tranh giữa kẻ thắng vớl kẻ bại vẫn giữ nguyên, với những môi quan hệ cũ. Việc sử dụng quyền chiến tranh không qui đinh được mộc bản hòa ước nào cả. Kẻ chiến thắng với người chiến bại chỉ làm với nhau một công ước (convention), mà công ước đó không huỷ bỏ chiến tranh, nó vẫn ước định sẽ tiếp tục chiến tranh.

Như vậy, xem xét theo một hướng nào đó, thì quyền nô lệ là con số không, chẳng những nó không chính đáng, mà còn là mơ hồ, vô nghĩa lý. Chữ nô lệ và chữ quyền là hai chữ mâu thuẫn nhau, bài trừ lẫn nhau. Nói quyền nô lệ của một người đối với một người hay của một người đối với một dân tộc đều là nói điều vớ vẩn: Tao ký với mày một công ước mà mọi cái thiệt thì mày chịu, mọi cái lợi thì tao hưởng, chừng nào tao còn thích thú thì cả tao và mày cùng tôn trọng công ước này nhé ! (ND).

5. CẦN LUÔN LUÔN TRỞ LẠI VỚI CÔNG ƯỚC (CONVENTION) ĐẦU TIÊN

Khi tôi sẽ chấp nhận những điều mà từ trước đến nay tôi đã phản bác, thì bọn bạo chúa cũng chẳng có lợi gì hơn. Bao giờ cũng có sự khác biệt lớn giữa việc thống trị nhiều người với việc quản lý một xã hội. Bao nhiêu người hầu hạ một người, đó chỉ là nô lệ với chủ nô, chứ không phải một dân tộc với thủ lĩnh. Đó chỉ là một thứ ô hợp chứ không phải một tổ hợp xã hội, bởi vì trong đó không có phúc lợi chung mà cũng không có cơ thể chính trị. Con người cưỡi cổ đó, dù là thống trị một nửa thế giới cũng vẫn là một cá nhân; quyền lợi của hắn tách rời với mọi người, luôn luôn chỉ là quyền lợi riêng tư mà thôi. Một khi hắn chết, vương quốc của hắn cũng tan rã, khác nào cây sồi bị thiêu cháy đổ mục thành đống tro tàn.

Grotius nói một dân tộc có thể hiến thân cho vua. Cứ như ông nói thì dân tộc ấy phải tồn tại trước khi hiến thân. Ngay sự hiến thân ấy cũng là một điều khoản dân sự, tất nhiên phải bàn định rồi mới làm được. Trước khi người ta bàn định chọn một ông vua, người ta phải xem xét điều khoản xác định mình là một dân tộc. Điều khoản đầu tiên ấy chính là nền tảng của xã hội.

Nếu không có một công ước từ trước thì làm sao có được sự phục tùng của số ít theo ý muốn của số đông; làm sao mà một trăm người ưng thuận ông vua này lại có quyền nói thay cho mười người khác không ưng vua ấy. Luật số đông trong các cuộc bầu cử tự nó là thiết chế của công ước, làm tiền đề cho sự nhất trí.

6. CÔNG ƯỚC (PACTE) XÃ HỘI

Tôi giả định rằng có một lúc nào đó các trở lực gây hại cho sự sinh tồn của con người có thể lấn át sự kháng cự của từng cá nhân, lúc đó tình trạng nguyên thủy sẽ không còn nữa, loài người sẽ bị tiêu diệt nếu họ không thay đổi cách sống.

Nhưng con người không thể tạo ra lực mới, mà chỉ có thể kết hợp và điều khiển những lực sẵn có; cho nên phương pháp duy nhất để con người tự bảo vệ là họ phải kết hợp lại với nhau thành một lực chung, được điều khiển bằng một động cơ chung, khiến cho mọi người đều hành động một cách hài hòa.

Cái tổng lực đó là của nhiều người góp lại. Nhưng sức mạnh và tự do của mỗi người là công cụ đầu tiên để cho họ sinh tồn; nếu họ đem nó góp vào của chung thì bản thân họ có bị hủy bỏ không? Họ có lơ là mất sự quan tâm đến bản thân mình không? Qui vào chủ đề của tôi thì điều rắc rối này có thể giải thích như sau:
"Tìm ra một hình thức kết liên với nhau đẽ dùng sức mạnh chung mà bảo vệ mọi thành viên. Mỗi thành viên trong khi khép mình vào tập thể, dùng sức mạnh tập thể, vẫn được tự do đầy đủ như trước, vẫn chỉ tuân theo chính bản thân mình ". Đó là vấn đề cơ bản mà khế ước (contrat) đưa ra cách giải quyết (ND).
Các điều khoản trong khế ước là do bản chất của nó qui định nên chỉ cần vi phạm bản chất chút đỉnh thì nó sẽ trở thành vô hiệu. Có thể là Công ước không hề được công bố một cách hợp thức, nhưng đâu đâu nó cũng được mặc nhiên chấp nhận cho đến mức, ví phỏng Công ước xã hội (Pacte social) có bị vi phạm chăng nữa, thì mỗi thành viên sẽ sử dụng quyền nguyên thủy của mình; bởi vì một khi công ước không bảo đảm quyền tự do dân sự thì người ta từ bỏ công ước để giữ lại quyền tự do thiên nhiên vốn có.

Các điều khoản của công ước sẽ qui vào một điểm duy nhất là: mỗi thành viên từ bỏ quyền riêng của mình để góp hết vào quyền chung, ai ai cũng như vậy cả, không ngoại trừ một người nào; cho nên sẽ không ai muốn cho người khác phải thiệt thòi khi tham gia công ước xã hội.

Hơn nữa, khi mỗi người đã từ bỏ quyền riêng không ngần ngại, thì sự liên kết sẽ thật là hoàn hảo, không một thành viên nào phải kêu ca gì. Nếu còn giữ chút ít quyền riêng mà lại không có cái gì chung cao hơn, để nói lên quyền lợi công cộng, thì rồi mỗi người sẽ tự phán xét lấy mình và muốn phán xét cả mọi người khác, thế là sự liên kết sẽ thành vô hiệu, hoặc tất nhiên đôi chỗ võ đoán.

Rốt cuộc, mỗi người tự hiến dâng cho mọi người chứ không cho riêng ai, thì sẽ không một thành viên nào giành được đặc quyền; mọi người thu về một giá trị tương đương với cái mình đã cống hiến; và họ có thêm lực để bảo toàn cái mà họ có.

Vậy thực chất của công ước xã hội là:
Mỗi người chúng ta đặt mình và quyền lực mình dưới sự điều khiển tối cao của ý chí chung, và chúng ta tiếp nhận mọi thành viên như một bộ phận không thể tách rời của toàn thể.

Hành vi liên kết sẽ tạo nên một cơ thể tinh thần chung, gồm bao nhiêu thành viên thì có bấy nhiêu tiếng nói trong một hội đồng; mỗi thành viên nhận được sự nhất trí của mình trong hành vi liên kết đó, họ tìm thấy cái tôi tập thể tìm thấy cuộc sống và ý chí của mình trong tập thể. Con người công cộng được hình thành bằng sự liên kết với tất cả mọi người khác. Ngày xưa con người công cộng ấy được gọi là thành bang [6*] ngày nay chúng ta gọi nó là "nước cộng hòa" hoặc "cơ thể chính trị " . Mỗi thành viên ở thế thụ động thì gọi con người công cộng đó là "Nhà nước", ở thế chủ động thì gọi nó là "quyền lực tối cao". Khi đối sánh với đồng loại thì con người công cộng đó được gọi là "quyền lực". Về phần các thành viên, họ lấy một tên chung là "dân chúng"; mỗi người riêng lẻ thì gọi là "công dân" trong khi họ tham gia vào quyền lực tối cao; hoặc gọi là "thần dân" trong khi họ phục tùng luật pháp Nhà nước.

Các từ ngữ về cách gọi như trên thường lẫn lộn với nhau, ta chỉ cần phân biệt khi phải nói thật chính xác.

7 . QUYỀN LỰC TỐI CAO

Theo công thức nói trên, ta thấy hành động liên kết bao hàm một sự ước thúc giữa công chúng với cá nhân; và mỗi cá nhân trong khối liên kết tự thấy mình phải ước thúc trong hai mối quan hệ: anh vừa là thành viên của quyền lực tối cao liên hệ với các cá nhân khác, đồng thời anh là thành viên của quốc gia liên hệ với quyền lực tối cao. Nhưng trong dân luật có câu châm ngôn: Chẳng ai bị ràng buộc khi tự mình ước thúc mình, cho nên cần phân biệt giữa sự ước thúc đối với chính mình và sự ước thúc đối với tập thể.

Lại cần nhận xét thêm rằng cuộc thảo luận công cộng có thể ràng buộc tất cả mọi thành viên vào quyền lực tối cao do hai mối quan hệ khác nhau để ước thúc họ; nhưng theo một lý do trái lại, cuộc thảo luận công cộng không thể buộc quyền lực tối cao phải ước thúc với chính bản thân nó, cho nên, nếu quyền lực tối cao tự áp đặt cho mình một luật không thể vi phạm thì thật là trái với bản chất của cơ thể chính trị. Tự đặt mình trong mối liên hệ đơn phương như vậy thì quyền lực tối cao chẳng khác gì một thành viên khoán ước tự đối đãi với mình, thế thì không có và không thể có cái gì là luật cơ bản để ước thúc tập đoàn dân chúng, mà cũng không thể có công ước xã hội. Điều nói trên không có nghĩa là cơ thể này không thể liên hệ với một cơ thể khác, không có gì trái với công ước; vì đối với cơ thể khác thì cơ thể này cũng chỉ như một cá nhân đơn thuần mà thôi.

Nhưng cơ thể chính trị hay quyền lực tối cao chỉ tồn tại nhờ tính thiêng liêng của khế ước, cũng chẳng bao giờ có thể tự ràng buộc mình không vi phạm điều khoản nguyên thuỷ; như thế khác nào từ bỏ một bộ phận của cơ thể mình, hoặc tự đặt mình dưới quyền lực tối cao khác. Vi phạm điều khoản tạo sinh ra mình tức là tự xóa bỏ mình. Đã bị xóa bỏ rồi thì còn sản sinh ra được cái gì nữa!

Khi nhiều người đã liên kết thành một cơ thể, nếu ai xúc phạm một thành viên tức là xúc phạm vào cơ thể, cơ thể bị xúc phạm thì các thành viên tất nhiên phải cảm biết. Như vậy nghĩa vụ và quyền lợi buộc cả hai bên giao ước phải giúp đỡ lẫn nhau; mỗi người phải tìm cách liên kết ưu thế của mình lại theo mối quan hệ hai chiều. Tuy nhiên, quyền lực tối cao được thiết lập từ những cá thể thành viên hợp lại tạo ra nó, cho nên nó không có và không thể có lợi ích nào trái ngược với các thành viên (ND). Do đó quyền lực tối cao không cần phải bảo đảm gì đối vớI các thần dân; bởi lẽ một cơ thể không bao giờ lại muốn làm hại tất cả thành viên của nó, cũng như làm hại đến một thành viên riêng lẻ. Quyền lực tối cao chỉ nhờ có tính chất như trên, mới tồn tại được, nền luôn luôn tự nó là tất cả những gì tạo ra nó (ND) .

Những thần dân đối với quyền lực tối cao thì không như thế. Không có gì đáp ứng sự ràng buộc của thần dân vào quyền lực tối cao, nếu quyền lực tối cao không tìm ra những biện pháp để bảo đảm lòng trung thành của họ; mặc dầu thần dân vẫn có lợi ích chung trong cộng đồng.

Thật ra mỗi cá nhân có thể có ý chí riêng không giống hoặc trái với ý chí chung (ND) mà anh ta với tư cách công dân, cũng mang ý chí chung đó. Lợi ích riêng có thể nói vớI anh ta không như tiếng nói của lợi ích chung. Không có tập thể thì cá nhân anh vẫn cứ tồn tại một cách tuyệt đối và độc lập cho nên anh ta coi nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp chung chỉ là đóng góp không công, chỉ tốn kém cho riêng mình mà thôi; nếu anh không đóng góp thì cũng chẳng thiệt đến ai; thế là anh ta coi nhân cách tập thể tạo thành nhà nước chỉ là một lý tính, không phải một con người. Anh ta hưởng quyền công dân mà không muốn làm nghĩa vụ thần dân. Thái độ bất công đó của cá nhân nếu phát triển mãi ra thì sẽ dẫn tới sự suy đồi của cơ thể chính trị.

Muốn cho công ước xã hội không trở thành một công thức suông, nó phải ngầm bao hàm điều ràng buộc đốl với cá nhân. Chỉ có sự ràng buộc mỗi cá nhân, mới tạo ra sức mạnh cho mọi cá nhân khác, ai cưỡng lại ý chí chung liền bị toàn bộ cơ thể chống lại, cái đó có nghĩa là người ta buộc anh ta phải tự do.

Khi trao một công dân cho Tổ quốc thì phải bảo đảm rằng công dân đó phụ thuộc vào Tổ quốc. Điều kiện ấy làm cho các khoản cam kết dân sự trở nên chính đáng, không có điều kiện ấy thì mọi sự cam kết sẽ thành ra mơ hồ, võ đoán, làm đà cho sự lạm dụng to lớn hơn.

8. TRẠNG THÁI DÂN SỰ

Từ trạng thái tự nhiên sang trạng thái dân sự, con người trải qua một chuyển biến lớn lao (ND). Trong xử sự của họ, công lý thay cho tiềm thức, trong hành vi của họ có thêm đạo nghĩa mà trước kia không có. Từ nay tiếng nói của nghĩa vụ thay thế những kích thích vật lý. Về quyền ham muốn, trước đây con người chỉ tính đến bản thân thì bây giờ họ phải hành động theo những nguyên lý khác; họ phải suy xét bằng lý trí trước khi nghe theo dục vọng. Tuy mất đi một vài lợi thế trong trạng thái tự nhiên, nhưng con ngườI thu lại những lợi thế lớn hơn; năng khiếu được vận dụng và phát triển, tư tưởng mở rộng ra, tình cảm cao quí thêm, tâm hồn được nâng lên đến mức mà ví phỏng hoàn cảnh hiện tạI có hạ anh xuống kém hơn hoàn cảnh trước kia, thì anh vẫn cứ phải cảm tạ cái thời điểm dứt anh ra khỏi giới động vật ngu muội và hạn chế để vĩnh viễn trở thành loài thông minh, thành một con người.

Hãy hạch toán lại sự hơn thiệt này một cách dễ hiểu hơn. Với khế ước xã hội, con người mất đi cái tự do thiền nhiễn và cái quyền hạn chế được làm những điều muốn làm mà làm được, nhưng mặt khác con người thu lại quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà anh ta có (ND). Cần phân biệt tự do thiên nhiên chỉ hạn chế chật hẹp trong khả năng sức lực một cá nhân với quyền tự do dân sự mà giớI hạn rộng rãi là ý chí chung của nhiều người. Lại nên phân biệt sự có được trong trạng thái tự nhiên chỉ là kết quả của sức mạnh và chỉ là cái quyền của kẻ chiếm lĩnh đầu tiền, vớI quyền sở hữu trong trạng thái dân sự được xây đựng trên một danh nghĩa tích cực.

Con người dân sự còn có tự do tinh thần khiến anh ta trở thành người chủ thật sự của chính mình; vì rằng làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, mà tuân theo qui tắc tự mình đặt ra lại là tự do.

Nhưng tôi đã nói quá nhiều về vấn đề này; chủ đề của tôi về ý nghĩa triết học của tự do không phải đặt ra ở đây.

9. LĨNH VỰC THỰC TẾ

Mỗi thành viên hiến dâng cho cộng đồng tất cả sức lực và tài sản của mình; như vậy không có nghĩa là sau hành động hiến dâng này sự chiếm hữu thay đổi tính chất, khi của cải được trao từ tay cá nhân sang tay cộng đồng và biến thành sở hữu quốc gia. Nhưng sức mạnh của thành bang so với sức mạnh của một người thì lớn hơn nhiều lắm; cho nên sở hữu công cộng trong thực tế cũng lớn hơn và vững chắc hơn sở hữu cá nhân rất nhiều. Nhà nước đốI với các thành viên, theo khế ước xã hội quy định là ông chủ tài sản của mọi thành viên, khế ước xã hội là cơ sở cho mọi thứ quyền trong một nước (ND). Nhưng đối với nước ngoài thì nhà nước chỉ là ông chủ tài sản theo quyền của người chiếm hữu đầu tiên.

Quyền của người chiếm hữu đầu tiên có vẻ thực tế hơn là quyền của kẻ mạnh. Tuy vậy nó chỉ trở thành một quyền thực sự sau khi đã thiết lập quyền tư hữu (ND). Trong tự nhiên, mọi người đều có quyền đối với những cái mà mình cần đến; nhưng trong dân sự thì điều khoản quy định cho anh thành người tư hữu một số của cải đã loại trừ anh đốI với những của cải khác. Một khi đã nhận phần tư hữu, anh phải nhận hạn chế mình trong phạm vi tư hữu ấy, anh không có quyền đối với những cái khác của cộng đồng.

Xem đó thì rõ tại sao quyền của người chiếm hữu đầu tiên là rất yếu ớt trong trạng thái tự nhiên lại được mọI người tôn trọng trong trạng thái dân sự. Người ta tôn trọng quyền chiếm hữu đầu tiên đối với tài sản thuộc cá nhân kẻ khác hơn là đối với những tài sản không thuộc về bản thân họ.

Nói chung thì khi cho phép ai làm người chiếm hữu đầu tiên trên một khoảng đất, cần có nhũng điều kiện như sau :
            +Một là khoảng đất chưa có ai ở;
            +
Hai !à người chiếm hữu chỉ chiếm một phần vừa đủ cho sự sinh tồn của mình;
            +
Ba là người chiếm hữu giữ lấy mảnh đất không phải bằng một nghi thức, mà bằng lao động và sự trồng trọt, đó là dấu hiệu duy nhất có ý nghĩa pháp lý để chứng tỏ quyền chiếm hữu khiến kẻ khác phải tôn trọng.

Tuy vậy, chấp nhận quyền chiếm hữu đầu tiên theo nhu cầu và theo lao động không phải là để cho người ta muốn chiếm hữu đâu cũng được (ND) . Phải chăng cần định giới hạn cho quyền chiếm hữu này. Phải chăng cứ đặt chân lên một mảnh đất chung là đủ để tuyên bố làm ông chủ của mảnh đất ấy? Làm chủ rồi anh có đủ sức đẩy người khác ra không cho ai trở lạI mảnh đất ấy nữa không? Một người hay một dân tộc đến ở vùng đất rộng lớn, có thể nào đuổi những ngườI khác ra khỏI đất ấy mà không dùng đến thủ đoạn cưỡng đoạt đáng trừng phạt hay không? Làm như vậy, họ phải tước đoạt sinh mạng và thức ăn mà thiên nhiên đã ban chung cho mọI người.

Khi chiếm hữu bờ biển và lãnh thổ vùng Nam Mỹ, Nunez Balbao (15) nhân danh vương triều Castille (16) có đủ quyền hành để tước đoạt của cải dân chúng để đuổi hết các vua chúa bản địa đi không? Ở đây, nhiều thứ lễ nghi suông đã được bày vẽ ra, và ông vua Thiên Chúa giáo chỉ cần trong phút chốc tuyên bố cả vũ trụ đều thuộc về triều đình của mình. Có điều là sau đó ông ta không loại bỏ những tài sản đã từng thuộc về quyền sở hữu các vua chúa bản đia.

Người ta thấy rằng những khoảnh đất tư nhân tiếp cận nhau nhập lại thành lãnh thổ chung, thế là các người sở hữu lại bị phụ thuộc hơn của cải, sức mạnh của họ trở thành vật bảo đảm lòng trung thành đốl với nhà vua. Ngày xưa các vua chúa ở Ba Tư, ở Scythe hay ở Macédoine có cái lợi thế mà họ không thấy được một cách đầy đủ, họ tự coi mình là thủ lĩnh của những con người hơn là thủ lĩnh của một xứ sở. Ngày nay, khôn ngoan hơn, các vị hoàng đế Pháp, Tây Ban Nha, Anh, v.v... nắm vững lãnh thổ và nắm cả dân chúng trên lãnh thổ nước mình.

Nét độc đáo trong trường hợp này là đáng lẽ chấp nhận thì họ lại tước đoạt tài sản của các thành viên. Họ chỉ đảm bảo cho các thành viên được có tài sản một cách hợp pháp; họ thay thế sự chiếm đoạt bằng quyền chiếm hữu thật sự, thay thế sự hưởng thụ bằng quyền sở hữu. Thế là những người chiếm hữu được coi như chủ nhân của tài sản chung; quyền của họ được mọi thành viên nhà nước chấp nhận và được bảo vệ bằng sức mạnh hiện có để chống lại người ngoài đến xâm phạm. Bằng một phiên họp có lợi cho mọi người và lợi hơn cho những kẻ chiếm hữu, họ giành được cái mà họ đã cho đi. Đó là một nghịch lý có thể giải thích dễ dàng bằng sự khác biệt của các thứ quyền mà cơ quan quyền lực tối cao và người sở hữu cùng chung vốn liếng với nhau, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

Cũng có thể có trường hợp người ta bắt đầu hợp nhau lại khi chưa có gì để chiếm hữco; và khi đã chiếm được một vùng đất đủ cho mọi người, họ cùng nhau mà hưởng, hoặc chia cho mỗi người một khoảnh bằng nhau, hay chia theo một tỉ lệ nhất định do cơ quan quyền lực tối cao qui định.

Dù theo cách nào thì quyền của cá nhân đối với phần chia của mình cũng phải phụ thuộc vào quyền của cộng đồng đối với tất cả (ND) . Không có sự phụ thuộc này thì sẽ không có tình đoàn kết và sự liên đới xã hội, mà cũng không có sức mạnh thực tế để thực hiện quyền lực tối cao.

Tôi kết thúc chương này và quyển thứ nhất này bằng một điều nhận xét làm nền móng cho cả hệ thống xã hội; đó là: Công ước cơ bản (pacte fondamental) không phá bỏ sự bình đẳng tự nhiên, nó xây dựng sự bình đẳng tinh thần và hợp pháp để thay thế cái mà thiên nhiên đã làm cho con người không bình đẳng về thế lực. Trên phương diện khế ước và pháp quyền, con người tuy không đồng đều nhau về thân thể và trí tuệ vẫn được hoàn toàn bình đẳng ngang nhau [7*] (ND).

[Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. Những đoạn in chữ nghiêng có (ND) là do người dịch nhấn mạnh để nêu bật ý lớn.

[2*]. Các công trình bác học nghiên cứu về công quyền thường chỉ là những câu chuyện lạm dụng ngày xua : và người ta ra sức nghiên cứu chúng chỉ tổ đau đầu vô ích" (Xem " Hiệp ước về lợi quyền nước Pháp liên quan lới các nước láng giềng " do Hầu tước d'Argenson viết, in ở Amsterdem, Nhà xuất bản Rey) . Đó chính là cách làm của Grotius.

[3*]. Xem luận văn của Plutarque "Ước gì loài vật cũng có lý trí

[4*]. Politie : Tiếng Hi Lạp, ngày nay không dùng nữa, có nghĩa là chính phủ.

[5*]. Người La Mã tôn trọng luật chiến tranh hơn bất cứ dân tộc nào khác. Họ rất quan tâm vần đề này. Một công dân La Mã không dược tham gia chiến đấu nếu chưa đãng ký long trọng nhận lấy tư cách chiến sĩ chống quân thù.

[6*]. Nghĩa chính của từ "Thành bang" đến thời nay đã bị hiểu lệch lạc mất rồi. Hầu hết mọi người coi thành bang là một thành phố và người thị dân là một công dân, Họ không hiểu rằng nhà cửa họp lại là thành phố, mà thị dân họp lạI mới là thành bang. Sai lầm này đã gây thiệt hại lớn cho người Carthagenois.. Tôi chưa từng đọc thấy ở đâu cái danh hiệu Cives (tiếng Latinh, nghĩa là công dân - ND) được dùng cho các thần dân của một vị nguyên thủ. Ngay cả đối với dân Macédonien cũng như đối với người Anh hiện nay, là nơi gần gũi với tự do hơn mọi nơi khác cũng chưa thấy danh hiệu này. Chỉ có người Pháp dùng từ "công dân" một cách thông tục, vì nó không mang ý nghĩa gì rõ rệt thật sự, như ta thường đọc thấy trong các từ điển Pháp. Không thế thì họ sẽ phạm tội bất cẩn vì xuyên tạc danh từ này. Ở Pháp từ "công dân" nói lên một phẩm cách con người chứ không nói về một quyền hạn. Khi Bodin (pháp quan và triết gia Pháp 1530-1598 - ND) nói về các công dân và các thị dân của ta, ông đã phạm một sai lầm quá đáng, lẫn lộn hai khái niệm này với nhau. Ông d'Alembert thì không lầm lẫn như vậy. Trong bài viết về Genève, ông phân biệt rõ bốn hạng người (có thể nói là năm hạng, kể cả hạng ngoại kiều) trong thành phố của ta, trong đó chỉ có hai hạng hợp thành nước cộng hoà. Ngoài ra không có ai trong các tác giả Pháp mà tôi được biết đã hiểu đúng nghĩa của chữ "Công dân".

[7*] Dưới quyền cai trị của một chính phủ tồi, sự bình đẳng này chỉ là bề ngoài và giả tạo; nó chỉ là một danh hiệu để gĩư nguyên người ngèo trong đói khổ và người giàu trong bóc lột. Thực tế thì pháp luật bao giờ cũng có lợI cho kẻ có của và hại cho nguờl không có gì cả. Vì vậy một thể chế xã hội chỉ có thể là tiến bộ khi mọi người đều có một cái gì đó, và không ai được có quá nhiều.



QUYỂN THỨ HAI

1. CHỦ QUYỂN TỐI CAO LÀ KHÔNG THỂ TỪ BỎ

Hệ quả đầu tiên và quan trọng nhất của các nguyên tắc được trình bày ở trên là: Ý chí chung chỉ có thể điều khiển các lực lượng nhà nước theo mục đích của cơ chế nhằm phục vụ lợi ích chung (ND). Nếu như xã hội được lập ra vì có mâu thuẫn giữa các lợi ích riêng, thì một khi các lợi ích riêng được hài hòa, xã hội mới có thể tồn tại. Đó là do trong các lợi ích khác nhau vẫn có cái chung tạo thành mối liên hệ xã hội. Nếu không có một điểm chung nào để cho các lợi ích hài hòa được với nhau thì không một xã hội nào có thể tồn tại. Do đó phải dựa trên lợi ích chung để cai quản xã hội.

Vậy tôi nói : Chủ quyền tối cao là sự thực hiện ý chí chung nên không thể tự nó từ bỏ nó được (ND). Cơ quan quyền lực tối cao là một con người tập thể, nên chỉ tự mình nó đại biểu được cho nó mà thôi. Quyền hành thì có thể chuyển trao được lắm, nhưng ý chí thì không. Nếu ý chí cá nhân có thể nhất trí với ý chí chung trên một số điểm thì nó cũng không thể nhất trí lâu dài và thường xuyên được; vì ý chí cá nhân, do bản chất của nó, hướng về ưu tiên bản thân, còn ý chí chung lại hướng tới sự đồng đều bình đẳng. Càng không thể bảo đảm cho sự nhất trí như thế, có bảo đảm chăng nữa thì đó không phải là tác dụng của tài nghệ mà là tác dụng của ngẫu nhiên. Quyền lực tối cao có thể nói: Bây giờ ta muốn cái mà người kia đang muốn, chứ không thể nói: Ta cũng sẽ muốn cái mà người kia ngày mai sẽ muốn. Bởi vì, nói rằng ý chí chung tự trói buộc mình vào tương lai thì thật là mơ hồ. Vả lại, chẳng cần phải tùy thuộc vào một ý chí nào để đồng tình với một điều không trái với điều mình mong muốn. Nếu dân chúng hứa hẹn một cách giản đơn là sẽ phục tùng vô điều kiện thì dân chúng không còn tính cách là dân chúng nữa; lúc đó sẽ chỉ có ông chủ chứ không còn quyền lực tối cao nữa, và toàn bộ cơ thể chính trị sẽ phải tan rã. Nói như vậy không phải là mệnh lệnh của các thủ lĩnh không thể chuyển thành ý chí chung, mặc dầu thủ lĩnh có thể chống lại ý chí chung mà họ vẫn không chống lại. Trong trường hợp này, nếu tất cả đêu lặng thinh thì có thể giả định là dân chúng đều đồng tình. Điều trên đây sẽ được giải thích thêm qua các chương sau.

2. CHỦ QUYỀN TỐI CAO LÀ KHÔNG THỂ PHÂN CHIA

Chủ quyền tối cao không thể từ bỏ thì cũng không thể phân chia được; bởi vì ý chí là chung [1*] hoặc không phải là chung; nó có thể là của toàn thể dân chúng hoặc là của một bộ phận. Trường hợp thứ nhất, ý chí chung được công bố, là một điều khoản của chủ quyền tối cao, nó trở thành luật. Trường hợp thứ hai, ý chí cá nhân nếu công bố lên thì chỉ là mệnh lệnh pháp quan, cùng lắm chỉ là một nghị định mà thôi. Trong chính trị của ta, tuy về nguyên tắc thì quyền lực tối cao là không thề phân chia, nhưng trên thực tế người ta vẫn chia tách nó trong đối tượng. Họ chia nó thành lực lượng và ý chí, thành quyền lực lập pháp và quân lực hành pháp, thành quyền quan thuế, quyền tư pháp, quyền chiến tranh, thành cai trị đối nội và ứng phó đối ngoại; khi thì người ta trộn lẫn các bộ phận, khi thì người ta tách rời chúng với nhau. Họ biến quyền lực tối cao thành một thứ quái dị, ghép lại bằng nhiều mảnh, giống như họ ghép một hình người từ nhiều cơ thể; mặt của anh này, tay của chị nọ, chân của người kia. Người ta đồn rằng bọn bán thuốc rong Nhật Bản xé đứa trẻ ta nhiều mảnh trước mắt công chúng rồi tung lên trời; khi các mảnh rơi xuống thì nhập lại với nhau thành đứa bé sống hẳn hoi. Cái trò ảo thuật chính trị của ta ngày nay cũng giống như vậy; sau khi tách rời các bộ phận trong cơ thể xã hội, họ dùng uy tín tạp nham mà ghép các bộ phận ấy lại một cánh tùy tiện, chẳng ai hiểu ra làm sao cả. Có sai lầm này là vì không xuất phát từ những khái niệm đúng đắn về quyền uy tối cao mà chỉ nắm lấy những biểu hiện bề ngoài, coi đó là các bộ phận của quyền uy tối cao. Ví dụ người ta coi việc tuyên chiến hoặc giảng hòa là những điều khoản thuộc về chủ quyền tối cao. Thật ra mỗI điều khoản ấy chưa phải là luật mà chỉ là ứng dụng luật, chỉ là điều khoản cá biệt xác định tình huống cụ thể của luật. Chừng nào định nghĩa chữ luật một cách dứt khoát thì ta mới hiểu rõ vấn đê này.

Theo dõi các lối phân chia khác ta cũng sẽ thấy rõ sự lầm lẫn khi người ta tưởng rằng quyền lực tối cao có thể bị phân chia. Những bộ phận quyền hành được chia tách ra đều phụ thuộc vào quyền lực tối cao, đều giả định phải có ý chí tối cao, mỗi bộ phận đều chỉ nhằn thực hiện ý chí tối cao. Có biết bao sự lầm lẫn đã phủ bóng lên quyết định của các nhà soạn thảo luật pháp chính tri, khi họ muốn phán định quyền của các ông vua và của dân chúng theo những nguyên tắc do họ vạch ra.

Trong các chương III và IV quyền thứ nhất của Grotius, mọi người đều có thể thấy nhà thông thái này và dịch giả của ông là Barbayrac đã lấn lộn lung tung trong những lời ngụy biện của họ; họ sợ nói quá hoặc nói không đủ về quan điểm của mình, họ sợ các lợi ích mà họ phải điều hòa bị va chạm nhau. Grotius lưu vong ở Pháp; bất mãn với tổ quốc mình và muốn ve vãn vua Louis III (17) đã dâng cho vua cuốn sách của ông, trong đó ông không ngại gì tước hết mọi quyền của dân chúng và khoác lên mình vua tất cả mọi nghệ thuật của quyền hành. Đó cũng chính là khẩu vị của Barbayrac người đã dâng tặng bản dịch sách Grotius cho vua Anh Georges đệ nhất (Georges ler) (18). Chẳng may sự phế truất vua Jacques II (19), mà ông ta gọi là thoái vị, đã buộc ông phải dè dặt, quanh co, lần lữa, để khỏi phải gọi vua Guillaume (20) là thoán đoạt. Nếu hai tác giả này chấp nhận những nguyên lý đúng đắn thì họ đã vượt.qua được khó khăn và luôn luôn giữ được tính nhất quán. Nhưng như vậy thì buồn thay cho họ là họ phải nói lên sự chát, và họ chỉ được tán dương dân chúng mà thôi.

Thế nhưng sự thật có bao giờ dắt người ta lên địa vị. Dân chúng cũng không thể phong chức đại sứ, cất nhắc học vị giáo sư và cũng chẳng có quyền tăng lương bổng.

3. NẾU Ý CHÍ CHUNG CÓ THỂ LẦM LẪN

Ý chí chung bao giờ cũng thẳng và luôn luôn hướng tới lợi ích chung nhưng không phải mọi điêu luận giải của dân chúng đều là đúng đắn. Ai cũng muốn mình được tốt lành, nhưng có phải lúc nào người ta cũng nhìn thấy cái tốt lành đâu. Người ta chẳng bao giờ cố tình làm hư hỏng dán chúng, nhưng thường thường người ta vẫn lừa dối dân, đó là lúc dường như người ta mong muốn điều xấu.

Cũng thường khi có sự khác nhau giữa ý chí của mọi người và ý chí chung. ý chí chung chỉ tính đến lợi ích chung; ý chí của mọi người lại nhìn vào lợi ích riêng và chỉ là tổng số những ý chí riêng lẻ. Nếu trừ đi những ý chí riêng lẻ xung khắc nhau quá quắt [2*] thì số dư sẽ là ý chí chung. Nếu dân chúng được thông tin một cách đầy đủ, khi họ luận giải vấn đê, dù cho là không ai trao đổi riêng với ai, thì qua rất nhiều sự khác biệt nhỏ, cuộc luận giải vẫn cứ dẫn tới ý chí chung, kết quả sẽ luôn luôn tốt đẹp. Nhưng khi có những âm mưu, những nhóm nhỏ dựa đẫm vào tập thể lớn, thì ý chí chung của mỗi nhóm lẻ chỉ là ý chí riêng đối với cả quốc gia; lúc đó không thể nói ràng mỗi người là một cử tri, mà phải nói mỗi nhóm nhỏ là một cử tri, và kết quả sẽ ít gần với ý chí chung hơn. Cuối cùng, khi một nhóm nào to phình lên trùm lợp tất cả các nhóm khác, ta sẽ không có được tổng số eủa nhiễu sự khác biệt nhỏ , mà chỉ có một sự khác biệt duy nhất, lúc đó sẽ không còn ý chí chung nữa, và ý kiến quyết đinh chỉ là ý kiến riêng.

Muốn cho ý chí chung được bày tỏ rõ rệt thì trong một Nhà nước không nên có các phe nhóm riêng, để cho mỗi công dân được quan niệm theo ý họ [3*]. Đó là thể chế tuyệt vời duy nhất của Lycurgue (21) vĩ đại. Ví như có những phe nhóm riêng lẻ thì nên nâng số lượng các nhóm lên, và ngăn tránh sự không đồng đều giữa các phe nhóm,như Solon (22), Numa (23), Servius (24) đã từng làm. Đó là cách đề phòng tốt nhất để bảo đảm ý chí chung được soi sáng và dân chúng không bị lầm lẫn.

4. GIỚI HẠN CỦA QUYỀN LỰC TỐI CAO

Nếu Nhà nước và thành bang chỉ là một con người tinh thần nhờ sự đoàn kết của các thành viên mà tồn tại, và nếu điều quan tâm chủ yếu, bậc nhất của Nhà nước là tồn tại, thì phải có một lực lượng chung có tính chất cưỡng chế để động viên và xếp đặt cho mỗi bộ phận đều được thỏa đáng với toàn bộ. Thiên nhiên đã ban cho con người cái quyền tuyệt đối sử dụng tứ chi, thì công ước xã hội cũng phải trao cho cơ thể chính trị cái quyền tuyệt đối đối với các thành viên của nó. Chính cái quyền tuyệt đối ấy được điều hành bằng chí chung, mang tên là quyền lực tối cao.

Nhưng ngoài con người công cộng (tức là quyền lực tối cao) đó, ta phải xem xét đến những con người riêng lẻ, thành viên của xã hội, mà cuộc sống và tự do của họ tất yếu phải phụ thuộc vào xã hội. Vậy phải phân biệt quyền của các công dân và quyền của cơ quan quyền lực tối cao [4*], đồng thời phân biệt nghĩa vụ của thần dân với quyến tự nhiên mà con người được hưởng.

Cái mà mỗi người hy sinh về quyền năng, tài sản, tự do của họ theo Công ước xã hội chỉ là một phần của quyền năng, tài sản và tự do chung mà cộng đồng người được sử dụng. Nhưng ta cũng phải nhận rằng chỉ có cơ quan quyền lực tôi cao là người phán xét về cách sử dụng chung đó.

Một công dân phải làm những gì cho quốc gia do cơ quan quyền lực tối cao yêu cầu. Nhưng cơ quan tối cao cũng không thể yêu cầu, hoặc mong muốn công dân làm điều vô ích cho cộng đồng; vì theo qui luật lý tính cũng như qui luật tự nhiên, việc vô ích không có nguyên nhân thì không thể xảy ra được.

Những mối dây ràng buộc chúng ta vào cơ thể xã hội chỉ là cưỡng chế khi nào nó là sự ràng buộc cả hai phía, có đi có lại. Tính chất của nó là trong khi thực hiện sự ràng buộc, người ta vừa làm cho kẻ khác lại vừa làm cho chính mình. Vì sao ý chí chung bao giờ cũng thẳng thắn, mà mọi người thì luôn luôn quan tâm đến hạnh phúc cho mỗi một cá nhân mình ? Chỉ tại không ai là không nắm vững từ ngữ "mỗi người". Trong khi tán thành với mọi người họ cũng chỉ nghĩ đến bản thân họ thôi. Điều này chứng minh rằng sự bình đắng về quyền, và khái niệm công lý do đó nảy sinh đều phát tích từ bản chất của con người, ai cũng muốn giành ưu tiên về phần mình. Ý chí chung thuôn thật sự là ý chí chung,thì phải là ý chí chung từ trong đối tượng và trong bản chất của nó, phải từ tất cả và ứng dụng cho tất cả. Ý chí chúng sẽ nhất sự đúng đắn tự nhiên khi nó thiên về nhột đối tượng riêng lẻ nhất định (ND), bởi vì lúc đó ta sẽ không có được những nguyên tắc chỉ đạo chính xác khi phải phán đoán một điều xa lạ. Gặp một trường hợp phải xử trí việc tư, mà công ước chung xưa nay chưa nói tới thì thật là khó phán xét.' Đây là vụ án mà một bên là những cá nhân eo liên đới và bên kia là công chúng, nhưng ta luiullg tìm ra luật mà cũng chẳng thấy quan tòa để tuyên xử. Trường hợp này ta không thể dựa vào lời phán quyết dứt khoát của ý chí chung được. Lời phán quyết ấy chỉ có thể là thiên về bên này hoặc thiên về bên kia nếu bên này cho là đúng đắn thì bên kia cho là xa lạ, thiên lệch; do đó dẫn tới bất công và sai lầm. Nếu như ý chí cá nhân không thể nào đại biểu cho ý chí chung,thì ý chí chung một khi đã thiên về đối tượng cá nhân sẽ mất hết bản sắc không thể phán xét đúng đắn về một người hay một việc nào nữa. Ví dụ, khi dân chúng thành Athène bầu lên hay bãi miễn thủ lĩnh của họ, họ gắn vinh quang cho người bầu và xử phạt người bị truất. Bằng nhiều nghị định cụ th, họ thực hiện tất cả luật lệ của Nhà nước, không phân biệt đối xử với một ai. Lúc đó dân chúng không hành động với tư cách quyền lực tối cao mà với tư cách quan tòa. Điều trên đây có vẻ trái với ý kiến chung nhưng xin hãy để cho tôi trình bày tiếp ý kiến của mình.

Như trên, ta thấy rằng cái tổng quát mọi ý chí là ít hơn tổng số tiếng nói mà lợi ích chung bao gồm lại; bởi vì trong cơ chế này, mỗi người tất nhiên phải theo những điều kiện mà họ muốn áp đặt cho kẻ khác. Khi người ta bàn cãi về công việc tư nhân, nếu quyền lợi và công lý phù hợp nhau thì cuộc luận giải chung sẽ đúng đắn, đó là do quyền lợi chung đã dung hợp và đồng nhất qui tắc của quan tòa với lý lẽ của phe phái.

Từ khía cạnh nào lần lên tới nguyên lý ta cũng đều đi đến một kết luận như nhau. Nhớ rằng công ước xã hội qui định sự bình đẳng giữa các công dân; mọi người đều phải cam kết những điều kiện như nhau và được hưởng quyền ngang nhau. Do bản chất của công ước mà mọi điều khoản chính thức của ý chí chung đều ràng buộc hoặc tạo ra thuận lợi cho mọi công dân, đến mức mà cơ quan quyền lực tối cao chỉ cần biết dân tộc nói chung, không cần phân biệt bất cứ một thành viên riêng lẻ nào.

Vậy điều khoản về quyền lực tố cao là gì ? Đó không phải một bản công ước giữa cấp trên với cấp dưới, mà là công ước giữa cơ thể với tứ chi. Bản công ước này thật chính đáng vì có khoán ước xã hội làm cơ sở; thật công bằng hợp lý vì có tác dụng chung cho tất cả, thật hữu ích vì nó chỉ nhằm một đối tượng duy nhất là mưu lợi ích cho mọi người, thật vững chắc vì nó được bảo đảm bằng lực lượng công chúng và quyền năng tố cao. Chừng nào các công dân chỉ phục tùng những công ước như vậy thì họ chẳng phải cúi đầu tuân lệnh người nào, mà chỉ tuân theo ý chí của mình thôi.

Hỏi quyền của cơ quan quyền lực tối cao và quyền của công dân tương ứng với nhau sẽ lấy đâu làm giới hạn, tức là hỏi rằng quyền lực tối cao và quyền của công dân có thể ràng buộc lẫn nhau đến mức nào, ở điểm nào: Mỗi người ràng buộc với tất cả vì tất cả ràng buộc với mỗi người. Như vậy quyền của cơ quan tối cao đều là tuyệt đối, là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, cũng không và không thể vượt qua giới hạn của các công ước tổng quát; mọi người có thể sử dụng thoải mái quyền tự do và phúc lợi mà các công ước đã dành cho mình; đến mức quyền lực tối cao không thể trao trách nhiệm cho người này nặng nề hơn người khác, vì như thế sẽ là thiên vi, và không xứng đáng với quyền lực tối cao nữa.

Ví phỏng những điều thiên vị, phân biệt đôi xử như trên được chấp nhận, thì trong công. ước xã hội sẽ không có một sự hy sinh chân thật nào của cá nhân. Nếu có hy sinh chẳng qua là họ đổi cảnh ngộ trước kia mà lấy cảnh ngộ hiện tại mà họ thích thú hơn. Đó không phải là hy sinh mà chỉ là đổi chác vụ lợi, đổi cái bập bênh chưa chắc chắn để lấy cái tất hơn và ăn chắc hơn; như đổi sự độc lập tự nhiên để lấy tự do, đổi cái quyền dược làm hại người khác để lấy quyền an ninh cho bản thân, đổi sức lực có hạn của mình mà nhiều người có thể đánh bại để lấy quyền bất khả xâm phạm được cộng đồng xã hội bảo lĩnh. Ngay khi người công dân hiến dâng sinh mệnh cho Nhà nước thì bản thân họ cũng được bảo vệ thường xuyên; còn như dùng sinh mệnh mình để bảo vệ chính mình thì có lợi ích gì ? Lấy gì bù lại cái sinh mạng bị mất đi? Trong trạng thái tự nhiên, một khi buộc phải lao vào cuộn xâu xé, con người ném cả sinh mạng vào chỗ nguy nan để tự bảo vệ. Vậy là chỉ mất mạng đê được sinh tồn hay sao ?

Mọi người phải chiến đấu vì Tổ quốc, điều đó là đúng; nhưng chiến đấu và hy sinh tính mạng vì mình thì có ích gì? Bỏ chạy để được an toàn có phải là hơn không? Bỏ chạy ít nhất cũng đỡ nguy hiểm cho tính mạng hơn là xông vào đánh nhau để mất mạng.

5. QUYỀN SINH TỬ

Hỏi rằng các cá nhân không có quyền sử dụng sinh mạng của mình, sao lại có thể trao cho cơ quan tối cao cái quyền mà mình không có ấy? Câu hỏi này có vẻ khó giải đáp chỉ vì cách đặt vấn đề không đúng. Mọi người có quyền liều mình để tự bảo vệ mình chứ! Một người bị chết vì nhảy qua cửa sổ để thoát nạn cháy nhà, có ai kết tội anh ta là tự sát? Có ai kết tội những người chết đuối khi chèo thuyền vào bờ để tránh cơn bão ?

Mục đích của công ước (traité) xã hội là bảo vệ những người ký kết công ước. Ai muốn tới đích thì cũng muốn có phương tiện; mà phương tiện thì không tránh khỏi đôi khi không may bị sứt mẻ. Ai muốn dựa vào kẻ khác để bảo vệ sinh mạng mình thì cũng phải đưa sinh mạng mình ra khi mọi người cần đến. Người công lân không thể cân nhắc trước tai họa mà luật nước đã yêu cầu anh phải đương đầu. Khi nguyên thủ quốc gia bảo Nước nhà cần đến cái chết của anh,thì người công dân phải chết. Cái chết đó chẳng qua là điều kiện đổi lấy sự sống an toàn mà anh ta được hưởng từ trước tới đó. Lúc này sinh mạng anh không còn là một công trình sáng tạo của thiên nhiên nữa, mà là một cống vật có điều kiện cho quốc gia.

Tội tử hình đối với phạm nhân có lẽ cũng theo một quan điểm tương tự. Không muốn làm nạn nhân của bọn sát nhân, người ta đành chịu tội chết nếu tự mình lại phạm tội giết người. Trong sự thoả thuận này người ta chỉ nghĩ đến bảo đảm tính mệnh mà không nghĩ đến sử dụng tính mệnh; cả hai bên thỏa thuận không có ai là kẻ tính đến chuyện để cho mình bị treo cổ.

Một người làm bậy, vi phạm quyền xã hội, trở thành kẻ loạn nghịch và phản bội tố quốc, hắn phá hoại pháp luật quốc gia, không còn là thành viên quốc gia, mà là kẻ tuyên chiến với quốc gia. Sự sinh tồn của quốc gia không thể dung hợp với sự sinh tồn của hắn; một trong hai bên phải bị tiêu diệt; và khi người ta xử tử hắn không phải là xử một công dân, mà là xử một kẻ thù. Các thủ tục tố tụng, tuyên án đều chứng minh hắn đã phá hoại hiệp ước xã hội nên không còn là thành viên xã hội nữa. Một khi hắn bị bắt giữ và nhân tội, hắn phải bị loại trừ như một kẻ vi phạm công ước, hoặc bằng án tử hình như một kẻ thù của tất cả mọi người. Một kẻ thù như thế không còn là con người tinh thần nói chung mà là con người cụ thể phải vận dụng luật chiến tranh với hắn: giết kẻ bại trận.

Nhưng người ta sẽ nói: xử tội một người là điều khoản cá biệt. Phải, xử tội như vậy không dính gì đến cơ quan quyền lực tối cao; đó là quyền mà cơ quan tối cao có thể tham chiến nhưng không ứng dụng cho bản thân nó. Hay dùng hình phạt bao giờ cũng là biểu hiện của yếu đuối và lười biếng trong việc cai trị. Không có cái ác nào mà lại không thể cải thiện được trong một việc nào đó. Chỉ có quyền xử tử để răn đe chung khi ta không thể giữ kẻ tội phạm nhột cách yên ổn.

Quyền ân xá hoặc miễn tội cho kẻ đã bị tuyên án là thuộc về kẻ đứng trên quan tòa và luật pháp. Quyền này cũng chỉ nên dùng một cách họa hoằn thôi: Trong một nước khéo cai trị, ít dùng hình phạt không phải vì thủ lĩnh có tính khoan dung mà vì ít người phạm tội. Khi Nhà nước suy thoái, tội phạm quá nhiều thì khó trừng phạt.

Dưới chế độ cộng hòa La Mã, Viện nguyên lão, quan chấp chính không hay khoan hồng, mà dân chúng cũng không thích khoan hồng, mặc dầu nhiều khi họ thay đổi sự phán xét của chính mình. Hay khoan hồng tức là báo hiệu rằng sự trừng phạt sẽ không cần nữa; mọi người thấy như thế hoặc tự nó sẽ dẫn đến chỗ đó. Nhưng tôi nghe trái tim mình đang thì thầm và giữ ngòi bút tôi lại: ta hãy trao đổi những vấn đề này với một người chưa hề phạm tội và không cần đến lượng khoan hồng.

6. BÀN VỀ LUẬT

Với công ước xã hội, chúng ta làm cho cơ thể chính trị tồn tại và có một đời sống. Ta lại phải lấy việc lập pháp để làm cho cơ thể chính trị có vận động và có ý chí; vì điều khoản đầu tiên làm cho cơ thể chính trị hình thành và cố kết chưa phải là điều khoản làm cho nó được bảo toàn.

Sự vật tốt lành và hợp với trật tự là do bản chất của nó, chứ không phụ thuộc vào các công ước giữa người với người.Tất cả công lý là tự Trời mà ra. Trời là nguồn gốc của công lý. Nhưng nếu ta, biết tiếp nhận công lý từ Trời thì ta chẳng cần đến Chính phủ và luật pháp nữa. Tất nhiên là có một công lý phổ thông toát ra từ lý trí; nhưng công lý đó muốn được chấp nhận nhận phải có đi có lại. Xem xét các sự vật một cách phàm tục, ta thấy dường như thiên nhiên đã qui đinh rằng luật công bằng không ăn nhằm gì với con người. Pháp luật chỉ làm tốt cho kẻ ác và làm xấu cho người đứng đắn. Anh ta tôn trọng luật pháp đối với mọi người, nhưng mọi người lại không tôn trọng luật pháp với anh ta. Vậy phải có những công ước và những đạo luật để gắn liền quyền hạn và nghĩa vụ, đưa công lý về với đối tượng của nó.

Trong trạng thái tự nhiên, mọi cái đều là chung cho mọi người, tôi chẳng phải làm gì cho những người mà tôi không hứa hẹn gì với họ. Tôi chỉ nhận làm cho người khác cái gì mà tôi thấy bổ ích cho tôi. Trong trạng thái dân sự thì không thể, ở đây mọi quyền đều do luật qui đinh.

Vậy rốt cuộc luật lệ là gì ? Chừng nào người ta còn gắn cho chữ luật những ý niệm siêu hình thì người ta cứ việc luận giải mà không cần phải hiểu thấu; và khi người ta nói về qui luật tự nhiên thi người ta chẳng biết gì hơn về luật của Nhà nước.

Trên kia tôi đã nói không có gì là ý chí chung trên một đối tượng cá nhân. Đối tượng cá nhân ấy có thể là trong Nhà nước hoặc ngoài Nhà nước. Nếu ở ngoài Nhà nước thì một ý chí khác với cá nhân anh không thể lấy chí chung đối với anh được. Nếu đối tượng cá nhân đó là ở trong Nhà nước, thì y chí chung dẫu là khác với ý riêng của anh, vẫn là ý chí chung đối với anh. Lúc đó hình thành một quan hệ giữa một bên là cá nhân, bên kia là toàn thể trừ cá nhân ấy. Nhưng toàn thể bớt đi một cá nhân thì không còn là toàn thế nữa, và mối quan hệ trên đây chỉ là giữa hai bên không đều nhau; ý chí bên này không thể là ý chí chung cho cả bên kia được.

Khi toàn dân qui định một điều gì cho toàn dân thì họ chỉ xem xét đến toàn thể, nếu hình thành mối quan hệ thì phải là quan hệ giữa toàn thể trên một cách nhìn này với toàn thể trên một cách nhìn khác; cái toàn thể không hề bị chia tách ra. Như vậy chất liệu để xây dựng là chất liệu chung, cũng như ý chí xây dựng là ý chí chung. Cái đó tôi gọi là luật. Khi tôi nói luật bao giờ cũng là tổng quát chung cho mọi người (ND), tôi hiểu rằng luật coi tất cả thần dân là một cơ thể, mà trừu tượng hóa các hành động, không coi con người như một cá nhân hoặc như một hành động riêng lẻ. Luật có thể qui đinh rằng sẽ có một số đặc quyền, nhưng không nói rõ đặc quyền cho một cá nhân cụ thể nào. Luật cũng có thể chia công dân làm nhiều hạng, nhưng không chỉ định cụ thể người nọ người kia là thuộc hạng này hay hạng khác. Luật có thể qui đinh việc thành lập chính phủ và hệ thống cấp bậc, nhưng không cử ra một ông vua hay chỉ định ra một gia tộc nào là hoàng gia. Tóm lại mọi chức năng liên quan đến đối tượng cá nhân không phải là chức năng của quyền lực lập pháp.

Trên tư tưởng này ta sẽ thấy rằng không nên hỏi ai là người làm ra luật, vì luật là những điều khoản của ý chí chung. Cũng không nên hỏi vị nguyên thủ có đứng trên luật không, vì ông ta cũng chỉ là một thành viên của Nhà nước. Cũng không nên hỏi luật có thể nào bất công chăng, vì không ai lại bất công với chính bản thân mình. Cũng không nên hỏi ta được tự do và phải tuân theo luật như thế nào, vì luật chỉ là ghi lại ý chí của ta mà thôi.

Ta cũng lấy rằng luật lệ thống nhất cái tổng thể của ý chí với tổng thể của đối tượng. Cái mà một người, vô luận chức tước gì, ra lệnh cho lột cá nhân làm, không phải là luật. Ngay cái mà cơ quan quyền lực tối cao ra lệnh cho một đối tượng cá nhân cũng không phải luật, mà chỉ là một nghị định. Nó không phải việc của cơ quan tối cao mà của cá nhân pháp quan.

Vậy nước cộng hòa là tất cả những nước nào do luật trị vì bất kể trị vì dưới hình thức nào. Luật trị vì tức là lợi ích chung trị vì. Cái chung là một cái gì đó khá quan trọng.Tất cả những chính phủ chính đáng đều là chính phủ cộng hòa [5*]. Sau đây tôi sẽ giải thích chính phủ là gì.

Luật chỉ là những điều kiện chính thức của việc tập hợp dân sự. Dân chúng tuân theo luật phải là người làm ra luật (ND) . Chỉ những người họp thành xã hội mới có quyền xử lý các điều kiện xã hội. Nhưng người ta xử lý nó như thế nào? Phải chăng đó là một cuộc thảo luận chung, theo một sáng kiến nhất thời ? Cơ thể chính tri có một bộ máy nào để công bố ý chí chung hay không ? Ai sẽ làm cho cơ quan đó có được sự nhìn xa cần thiết để soạn thành các luật và cồng bố

7. BÀN VỀ NGƯỜI LẬP PHÁP

Muốn tìm ra chung quy tắc xã hội tốt nhất thích hợp với quốc gia thì phải có một trí tuệ ưu việt. Trí tuệ ấy thấy rõ mọi ham muốn của con người mà không thiên về một ham muốn nào. Trí tuệ ấy không dính líu tới bản chất của từng người nhưng am hiểu nó thật tường tận. Hạnh phúc của trí tuệ ấy không phụ thuộc vào chúng ta, nhưng vẫn muốn chăm lo hạnh phúc cho ta. Trí tuệ ấy xây dựng một sự nghiệp cao cả, lâu dài, có thể phải làm trong một thế kỷ và hưởng thụ ở thế kỷ sau [6*] Nếu thế thì phải là thần thánh mới đem lại luật pháp cho con người được.

Trên đây là cách luận giải của Caligula trong hành động thực tế của ông. Còn Platon (25) thì ứng dụng điều trên đây vào luật học để đinh nghĩa con người dân sự và con người vương giả trong cuốn sách "Bàn về trị vì" (du Règne) của ông. Nhưng nếu một ông vua lớn là người hiếm có, thi nhà lập pháp lớn sẽ là người như thế nào nữa kia. Ông vua chỉ làm theo mô hình của nhà lập pháp. Nhà lập pháp là kĩ sư sáng chế ra máy; ông vua chỉ là người thợ dựng máy lên và vận hành máy.

Montesquieu (26) nói : "Khi xã hội mới hình thành, thủ lĩnh các nước cộng hòa tạo nên thể chế và sau đó chính thể chế lại đào tạo nên các thủ lĩnh của nền cộng hòa" .

Ai dám đứng ra xây dựng chế độ cho cả một dân tộc. Người đó phải cảm thấy mình ở tư thế làm biến đổi tính chất con người, cải tạo được từng cá nhân, còn bản thân ông ta là một tổng thể hoàn chỉnh và đơn độc, là bộ phận của một tổng thể lớn hơn; người đó phải cảm thấy mình ở tư thế cải biến cấu trúc loài người để tăng cường nó, thay đổi sự tồn tại chỉ có ý nghĩa tinh thần và cục bộ bằng một sự tồn tại vật chất độc lập, mà mỗi người chúng ta đều được thiên nhiên ban cho. Tóm lại, người lập pháp đó rút đi sức mạnh vốn có trong mỗi người, rồi thay nó bằng một sức mạnh khác, sức mạnh mới này mỗi khi vận đụng nó thì phải có sự giúp đỡ của người đồng loại.

Như vậy, sức mạnh tự nhiên bi mất đi, bị hủy bỏ đi bao nhiêu thì sức mạnh mới thu được càng lớn lên và lâu bền bấy nhiêu, cơ chế xã hội càng vững chắc và hoàn chỉnh bấy nhiêu. Nếu mỗi công dân không là gì cả, và chỉ có thể là một cái gì nhờ tất cả mọi người mà tồn tại, thì sức mạnh thu được của tất cả mọi người phải bằng hoặc lớn hơn tổng số sức mạnh tự nhiên của mọi cá nhân cộng lại.

Có thể nói rằng lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức thạnh tập thể có thể đạt tới (ND). Người lập pháp, về tất cả mọi phương diện là một người phi thường trong quốc gia; phi thường chẳng những do thiên tài mà chính là do được sử dụng nữa. Người lập pháp quyết không phải một vị pháp quan hay một quốc vương. Việc sử dụng nhà lập pháp không đưa vào trong hiến pháp, nhưng việc sử dụng đó lại tạo lập ra nền cộng hòa. Đó là một chức năng đặc biệt và cao cả, không giống với chức năng của một con người cụ thể, bởi vì ai đã truyền lệnh cho người thì không được truyền lệnh cho pháp luật. Và kẻ đã truyền lệnh cho pháp luật cũng không nên truyền lệnh cho người. Không như thế thì luật pháp vốn là công cụ chế ngự tham vọng sẽ trở thành công cụ để duy trì bất công, sẽ không tránh khỏi tình trạng các quan điểm cá nhân làm mờnhạt sự trong sáng của tác phẩm. Khi Lycurgue đưa pháp luật về cho tổ quốc, việc đầu tiên là ông xóa bỏ ngôi vua. Điều đó đã thành một tập quán lớn của các thành bang Hi Lạp khi họ trao quyền lập pháp cho một người ngoại lai. Các nước cộng hòa hiện đại trên đất Ý thường học theo tập quán này. Nước Cộng hòa Genève cũng làm thế, và thấy thế là tốt [7*].

La Mã đến thời cực thịnh thì bắt đầu quy vào cho một số người có quyền lập pháp và quyền cai trị tối cao; từ đó nảy sinh các tệ nạn độc đoán chuyên quyền và Nhà nước La Mã cổ đại bước dần vào chỗ suy vong.

Tuy nhiên, các vị trong hàng thập đại pháp quan La Mã không được phép thông qua một đạo luật nào quy đinh quyền hạn của họ. Họ nói với dân chúng rộng: "Những điều chúng tôi đề nghị chỉ biến thành luật chừng nào dân chúng đồng ý. Hỡi công dân La Mã, các bạn hãy làm ra luật để bảo đảm lấy hạnh phúc của mình.

Vậy người chấp pháp không nền có quyền lập pháp (ND) và dân chúng dầu muốn cũ ng không thể trao quyền lập pháp cho người chấp pháp. Vì theo như Công ước cơ bản thì chỉ có ý chí chung buộc các cá nhãn phải theo nó. Người ta không bao giờ chắc rằng ý chí cá nhân tự nó phù hợp với với ý chí chung. Chỉ có thể tin như thế sau khi đã đặt ý chí cá nhân dưới cuộc đầu phiếu tự do của dân chúng.

Tôi đã nói điều trên đây, nhưng nhắc lại cũng không thừa. Như vậy ta thấy trong công trình lập pháp có hai điều dường như mâu thuẫn nhau. Một thiết chế vượt lên trên sức mạnh con người, và thực hiện thiết chế đó là một quyền uy không là cái gì hết.

Còn một điều rắc rối nữa đáng được lưu ý: Các nhà thông thái muốn nói với người tầm thường bằng ngôn ngữ bình dân cũng chưa chực được người ta hiểu mình. Có hàng ngàn thứ tư tưởng không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ bình dân. Những vấn đề quá khái quát, những đối tượng quá xa xôi đều ở ngoài tầm nhận thức của con người bình dân là những người thường chỉ thích thú những vấn đề liên quan tới quyền lợi là những người riêng của mình, khó mà nhận ra các điều lợi do các luật đúng đắn mang lại, thông qua sự tước bỏ những quyền cá nhân của họ. Muốn cho một dân tộc đang hình thành được hưởng những phương châm chính trị tốt đẹp và tuân theo luật cơ bản của lý trí quốc gia thì phải lộn ngược kết quả làm nguyên nhân: Đầu óc xã hội là do thể chế tạo ra đã chủ trì thể chế đó. Con người trước khi làm ra luật đã phải là con người đo luật đào tạo nên.

Vậy thì người lập pháp không thể dùng sức mạnh cũng như lý lẽ; ông ta phải nhờ đến một thứ quyền uy khác, có thể chinh phục người ta mà không dùng đến bạo lực, có thể thuyết phục người ta mà không cần phải nói lý lẽ.

Cho nên ta thấy rằng qua mọi thời đại thủ lĩnh quốc gia đều phải nhờ đến sự can thiệp của Trời. Họ gắn cho Trời sự thông thái của chính họ, để dân chúng phải phục tùng luật pháp Nhà nước y như phục tùng các quy luật tự nhiên vậy. Trong khi thừa nhận quyền lực của Trời để tạo ra con người, tạo ra thành bang và tuân thần Trời một cách tự do, thì dân chúng cũng tự nguyện mang lấy cái tròng phúc lợi công cộng của luật pháp.

Cái lý lẽ cao siêu ấy vượt lên trên tầm của con người bình thường, chính là lý lẽ mà người lập pháp gán cho thần thánh để dùng quyền lực siêu nhân lung lạc trì tuệ dân chúng [8*].

Nhưng không phải ai cũng có thể làm cho thần thánh lên tiếng và được tin theo trong khi họ tuyên xưng mình là kẻ diễn đạt ý Trời. Tâm hồn cao cả của người lập pháp chính là điều kỳ diệu xác nhận chức năng của ông ta.

Để ép dân chúng, người khắc mệnh lệnh lên đó, hoặc mượn lời sấm truyền, hoặc vờ vĩnh làm chuyện mua bán bí mật với thần thánh; hoặc dựng lên những con vật biết nói vào tai dân, hoặc tìm ra những biện pháp thô bạo khác. Những kẻ ấy chỉ biết tập hợp một cách ngẫu nhiên những người không phương hướng, chứ không thể nào xây dựng được một đất nước vững bền. Sự nghiệp rởm của họ sẽ tiêu tan sau khi họ chết. Mọi thứ uy tín giả tạo chỉ làm ra những mối liên hệ tạm thời; chỉ có trí tuệ uyên bác mới tạo nên những mối liên hệ vững bền. Luật Do Thái (28) luôn có thể bị thay thế, luật của con trai Ismael (29) thì đã trị vì phân nửa thế giới trong mười thế kỷ, cho đến nay còn được các bậc vĩ nhân truyền tụng.

Những đầu óc bè phái mù quáng, kiêu căng coi các bậc vĩ nhân như bọn bịp đời, còn các nhà chính khánh đúng đắn thì thán phục tài năng lớn lao và thể chế vững bền mà các vĩ nhân đã dựng nên.

Qua những điều được trình bày trên đây, xin chớ kết luận như Warburton ( 30 ) rằng chính trị và tôn giáo có chung một đối tượng; mà nên kết luận rằng trong nguồn gốc dân tộc, tôn giáo là công cụ của chính trị và chính trị cũng là công cụ của tôn giáo.

8. DÂN CHÚNG

Trước khi dựng lâu đài lớn, nhà kiến trúc thăm dò xem đất có chịu nổi trọng lượng của lâu đài hay không. Nhà lập hiến thông minh không bắt tay ngay vào việc soạn luật, trước đó ông xem xét dân chúng là người tiếp nhận luật có thích ứng được với luật không (ND) : Vì thế mà Platon đã từ chối không soạn thảo luật cho dân Arcadie (31) và dân Cyrène (32) , vì biết họ là dân giàu có, không thể chịu nổi sự bình đẳng. Cũng do vậy mà ở Crète (33) có luật tốt mà lại có nhiều người ác, vì vua (Minos) (34) chỉ đưa một dân tộc tội lỗi vào trật tự.

Trên trái đất có hàng ngàn dân tộc đã nổi bật lên, nhưng chưa bao giờ có được luật pháp tốt. Một số dân tộc khác đã từng có luật pháp tốt nhưng chỉ được một thời gian ngắn.

Phần lớn các dân tộc cũng như con người, chỉ dễ bảo khi còn trẻ tuổi,về già càng khó uốn nắn. Một khi phong tục tập quán đã bắt rễ sâu, muốn thay đổi nó thì thật nguy hiểm và vô hiệu; dân chúng không chịu nổi ngay khi người ta động đến những cái xấu xa của họ để giúp cho họ tiễu trừ cál xấu ấy, chẳng khác gì những con bệnh đần độn và nhút nhát thường sợ hãi khi trông thấy bác sĩ.

Nói như thế không có nghĩa là các dân tộc không thể có lúc trẻ lại. Người ta đôi khi vì mắc bệnh mà quên hết quá khứ. Các dân tộc cũng có thời kỳ cách mạng sôi động, khủng hoảng dữ dội gây ra kinh hoàng, nhưng rồi người ta quên đi. Được kích thích bằng những cuộc nội chiến, Nhà nước thoát khỏi tay thần chết lại phục hưng từ đống tro tàn, lấy lại sức sống của thời trai trẻ. Đó là những trường hợp của thành bang Sparte thời Lycurgue. Đó là trường hợp của La Mã dưới triều đại các vua Tarquins (35). Đó cũng là trường hợp của Hà Lan và Thụy Sỹ trong thời đại chúng ta ngày nay, sau khi các bạo chúa đã bị trừ khử .

Nhưng các trường hợp như trên là hiếm có . Trong các quốc gia ngoại lệ đó, lý trí luôn luôn thể biện trong hiến pháp độc đáo của họ. Ngay các quốc gia này cũng không thể có được hai lần hồi sinh như thế, vì họ chỉ tự do khi còn dã man, chứ đã tiến lên văn minh rồi thì khó lập lại tự do. Lúc này những sự rối loạn có thể phá hủy quốc gia mà các cuộc cách mạng cũng không thể nào tái tạo quốc gia được; khi xiềng xích bị cách mạng phá tung thì quốc gia cũng đã rã rời từng mảng và không tồn tại nữa. Lúc này quốc gia cần có một người chủ, chứ không phải một người giải- phóng. Các dân tộc tự do hãy nhớ lấy châm ngôn này : "Người ta có thể giành lấy tự do, chứ không sao giờ vớt vát lại tự do đã mất" (ND).

Tuổi trẻ không phải là thời thơ ấu. Các quốc gia cũng như con người, đều có một thời trai trẻ, hoặc tuổi trưởng thành khi mà quốc gia đã biết khép mình vào luật. Nhưng sự trưởng thành của một dân tộc không phải lúc nào cũng dễ nhận ra và nếu người ta báo trước thì nó sẽ không đến đâu ! Một số dân tộc khi mới hình thành đã có khả năng tiếp thu trật tự; và có dân tộc qua hàng chục thế kỷ vẫn chưa tiếp thu nổi trật tự.Người Nga sẽ không bao giờ thực sự văn minh, vì họ đã từng vào nếp quá sớm. Vua Pierre (36) có tài bắt chước chứ không có tài sáng tạo. Người có tài năng phải sáng tạo và làm ra tất cả từ hai bàn tay không. Một vài việc vua Pierre làm cũng là tốt đẹp; nhưng phần lớn các việc khác thì đều bi lệch lạc đi cả. Ông ta chỉ thấy dân tộc mình dã man, mà không hề thấy rằng dân Nga chưa đủ chín muồi để tiến tới văn minh. Ông muốn khai hóa nước Nga, nhưng chỉ đưa nước Nga vào những cuộc chinh chiến. Ông muốn được như người Đức, người Anh, nhưng lại bắt đầu với người Nga. Người Nga vốn chưa được giỏi giang như thế, nhưng ông cứ khăng khăng thuyết phục họ rằng họ đã từng giỏi giang; cho nên ông đã ngăn cản thần dân không đạt được cái đích mà họ có thể đến. Thật giống như một anh gia sư người Pháp cố dạy cho học trò mình thành nhà thông thái, nhưng khi nó lớn lên nó lại chẳng ra quái gì. Đế quốc Nga muốn thống trị cả Châu âu, nhưng rồi nó lại chỉ thống trị mình nó. Người Tartares (37) đã từng chiếm được nước Nga và các nước Châu âu; quá trình này xem ra tất yếu. Hết thảy vua chúa Châu âu dường như đã cùng hành động nhịp nhàng để thúc đẩy nhanh quá trình xâm lược này.

9. TIẾP THEO

Thiên nhiên đã hạn định cấu trúc của con người bình thường. Vượt quá hạn định ấy, con người sẽ thành ông khổng lồ hoặc thằng lùn tí hon. Một quốc gia cũng vậy. Quá lớn thì khó cai trị; quá nhỏ thì khó duy trì.

Trong mọi cơ thể đều có một lực tối đa không nên vượt qua. Thường khi cơ thể chính trị lớn phình ra lại khó đạt tới cái lực tối đa ấy. Mối liên hệ xã hội càng được mở ra thì càng lỏng lẻo; và nói chung, tính theo tỉ lệ thì một nước nhỏ mạnh hơn một nước lớn.

Hàng nghìn lý lẽ chứng minh cho điều trên đây. Trước hết, khoảng cách lớn thì cai trị vất vả, giống như cầm cái sào để nâng một vật, sào càng dài vật ấy càng như nặng thêm. Các đơn vị thuộc nhiều mức độ khác nhau thì việc cai trị càng lủng củng. Dân trong mỗi thị trấn đóng góp cho thị trấn mình, lại còn phải đóng góp cho quận, tỉnh, rồi đóng góp cho các cấp trên tỉnh, cho lãnh địa vương hầu; càng lên cao nhu cầu càng lớn, đè lên đầu người dân đáng thương trên cùng đến Nhà nước tối cao đè lên tất cả. Bấy nhiêu gánh nặng tiếp theo nhau làm kiệt sức thần dân. Tưởng đâu nhiều cấp là hay, hóa ra lại dở, không bằng chỉ có một cấp. Còn những nguồn dự trữ phòng khi bất trắc , nếu nước lớn, khi cần đến, huy động cho được thì Nhà nước đã lâm nguy mất rồi. Chưa hết, Nước lớn thì Chính phủ khó mà sát sao, nhạy bén trong việc thi hành luật . pháp, ngăn chặn tội phạm, uốn nắn sai lầm, phòng ngừa nổi loạn ở các vùng xa xôi. Mặt khác, nước lớn thì dân chúng kém thân gần thủ lĩnh, vì họ ít khi tiếp xúc với thủ lĩnh. Tổ quốc đối với họ là cả một thế giới bao la. Đồng bào đối với họ phần đông là người xa lạ, những pháp lệnh như nhau khó mà phù bợp với các tỉnh khác nhau về phong tục và khí hậu. Luật lệ mỗi nơi một khác thì gây ra rối loạn, lẫn lộn giữa dân chúng các vùng. Họ sống dưới quyền chung của một thủ lĩnh, liên hệ nhau, đi lại, cưới hỏi nhau, nhưng luật lệ khác nhau thì họ chẳng còn biết cơ ngơi của mình tốt xấu ra làm sao nữa.

Trong một quốc gia rộng lớn, tài năng thường bị chôn vùi, đức hạnh bị xao nhãng, tội lỗi không bi trừng phạt. Người thì lắm hạng, chẳng hiểu biết nhau, mà cái guồng cai trị cứ quây họ vào làm một. Các thủ lĩnh bận công việc túi bụi, tự mình chẳng nhìn thấy gì nữa, phải để cho bọn thơ lại điều hành quốc gia, cuối cùng chỉ lo tìm biện pháp nắm quyền lực tối cao mà đã hết tháng hết năm, còn đâu thời gian để giải quyết công việc công cộng, còn đâu sức lực để chăm lo hạnh phúc nhân dân. Có chăng thì chỉ đủ sức để ngăn dân chúng đừng đòi hỏi quá nhiều. Cơ thể quá lớn so với cấu trúc bị trĩu xuống và bị đè bẹp dưới trọng lượng của chính nó.

Mặt khác, Nhà nước phải tạo cho mình một cơ sở để có được sự vững chắc, chống được những chán động, chế ngự được các lực phản kháng; vì mọi dân tộc đều có một lực li tâm , với lực này các dân tộc tác động lẫn nhau bằng các khuynh hướng bành trướng sang nước láng giềng, giống như những luồng xoáy của Deseartes (38). Các dân tộc yếu có nguy cơ bị nuốt chửng và không một dân tộc nào có thể bảo tồn trọn vẹn khi đặt mình vào với mọi dân tộc trong một thế cân bằng mà áp lực ở hai phía gần như tương đương nhau.

Có đủ lý do để tính chuyện bành trướng ra cũng như tính chuyện co lại tự vệ; và không phải nhà chính khách theo khuynh hướng tự vệ quốc gia là kém tài năng. Có thể nói chung rằng các lý do bành trướng mang tính chất ngoại diện và tương đối, phải phụ thuộc vào các lý do tự vệ có tính chất nội tại và tuyệt đối. Điều quan trọng đầu tiên là phải tìm cho ra một cấu trúc lành mạnh, và ta nên dựa vào tính năng động do một nền cai trị tốt đẹp nhiều hơn là dựa vào những tài nguyên do một lãnh thổ rộng lớn.

Ta còn thấy những quốc gia được cấu trúc dưới dạng tất yếu phải bành trướng, phải chinh phục các nước khác thì mới tồn tại được. Có lẽ họ rất tự hào về nhu cầu bành trướng khoái trá đó; nhưng nhu cầu này vừa tạo ra sự vĩ đại của họ lại vừa là lý do tất yếu đẩy họ đến suy vong.

10. TIẾP THEO

Người ta có thể đo một cơ thể chính tri bằng hai cách: bằng tầm rộng lãnh thổ và bằng số dân. Giữa hai cách đo này có mối liên hệ đáng để tìm ra độ lớn của quốc gia.

Con người làm nên quốc gia, và đất nuôi sống con người. Mối tương quan ở đây là đất đủ đề nuôi sống dân, và số dân vừa với khả năng cung ứng của đất. Qua tỉ lệ giữa đất và người có thể tìm ra mức tối đa về lực lượng của một nhóm dân chúng nhất định. Nếu đất quá rộng, việc trông nom sẽ tốn kém; trồng tỉa không hết, sản phẩm dư thừa; đó sẽ là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh tự vệ. Nếu đất đai không đủ, Nhà nước phải dòm ngó sang đất láng giềng, đó sẽ là nguyên nhân các cuộc chiến tranh tấn công. Dân tộc nào ở vào vị trí chỉ sống bằng thương mại và chiến tranh lần hồi, thì bản thân dân tộc ấy là yếu; họ phải dựa vào láng giềng, trông chờ các biến cố, nên chỉ có được cuộc sống bấp bênh, ngắn ngủi hoặc là họ phải chinh phục nước ngoài để thay đổi tình thế, hoặc là họ bị người ta chinh phục và sống chẳng ra gì. Họ chỉ có thể tồn tại tự do nhờ nhỏ bé hoặc nhờ lớn mạnh.

Khó mà tính được một tỉ lệ cố định giữa đất đai và số dân như thế nào là thỏa đáng; vì chất đất, độ phì nhiêu, đặc tính sản phàm. Ảnh hưởng khí hậu mỗi nơi một khác; mà con người cũng chẳng giống nhau. Các xứ phì nhiêu dân tiêu thụ ít, các xứ cằn cỗi dân tiêu thụ nhiều lại phải nhìn đến số phụ nữ trong nước để lxem khả ,năng phát triển dân số ra sao. Nhà lập pháp căn cứ vào số dân để định đoạt tổ chức, không chỉ nhìn vào tình trạng hiện tại mà phải dự kiến cả dân số tương lai. Cuối cùng, có hàng nghìn trường hợp biến thiên về địa điểm cho phép hoặc bắt buộc người ta phải bao chiếm thêm những đất đai tưởng chừng không cần thiết.

Ở miền núi người ta cần khoảng rộng, vì sản phẩm tự nhiên như rừng cây, lũng cỏ đòi hỏi ít lao động; lại nhiều phụ nữ hơn ở đồng bằng độ dốc lớn, vùng trồng trọt chẳng có bao lăm.

Trái lại, ở miền ven biển, người ta thường sống chen chúc vì nghề đánh cá có thể bổ sung phần lớn sản phẩm trên mặt đất; người ta phải sống tập trung để đủ sức chống giặc biển; và cũng dễ di tản số dân thừa sang các thuộc địa khác.

Muôn xây dựng một dân tộc, ngoài các điều kiện lớn trên, phải thêm một điều kiện quyết định, không có nó thì mọi điều kiện khác đều vô nghĩa; đó là : con người phải được hưởng hòa bình và phồn vinh (ND)

Thời điểm chỉnh đốn quốc gia cũng như thời điểm chỉnh đốn một quân đội, chinh là lúc mà khả năng kháng cự của cơ thể quốc gia xuống thấp nhất, dễ bị phá hủy nhất. Trong tình trạng hết sức lộn xộn người ta kháng cự còn khá hơn là trong tình trạng giao thời, khi mỗi người chỉ nghĩ đến vị trí của mình mà không lo đến nguy cơ chung. Một cuộc chiến tranh, một cơn đói kém, một cuộc nổi loạn vào thời điểm khủng hoảng này thì quốc gia nhất đinh bị đảo lộn .

Cũng có những chính phủ ra đời trong cơn bão táp, nhưng đó là những chính phủ phá hoại quốc gia. Những kẻ thoán đoạt thường tạo ra hoặc chọn đúng thời cơ rối ren như thế, lợi dụng sự sợ hãi của mọi người, để thông qua các đạo luật phá hoại, mà dân chúng không thể tiếp nhận nếu họ ở trong trạng thái bình thản.

Cách chọn thời điểm xây dựng quốc gia là một điều rõ rệt nhất để phân biệt thủ thuật của nhà lập pháp chấn chỉnh với bọn thoán đoạt ranh ma.

Vậy dân tộc nào thì thích hợp với chế độ lập pháp ? Đó là những dân tộc đã có mối liên hệ tập hợp về nguồn gốc, về lợi quyền và công ước, nhưng chưa phải mang gông cùm của pháp luật bao giờ. Những dân tộc chưa có phong tục và tín ngưỡng bắt rễ quá sâu. Những dân tộc không sợ bi xâm lấn bất ngờ, không xung khắc với các dân tộc láng giêng, và đủ sức đương đầu với từng nước hoặc đủ sức giúp nước này chống lại sự xâm lấn của người khác. Những dân tộc mà mỗi thành viên đều có thể được mọi người biết đến, nhưng không một ai bị buộc phải gánh vác công việc nặng quá sức mình. Những dân tộc không cần phải nhờ đến dân tộc khác, và các dân tộc khác cũng không cần nhờ đến họ [9*]. Những dân tộc không nghèo cũng không giàu, có thể tự túc cho mình được. Cuối cùng là những dân tộc kết hợp được tính cứng vững của một dân tộc lâu đời với tính dễ bảo của một dân tộc mới mẻ.

Trong công trình lập pháp, cái khó ở chỗ xây dựng thì ít mà ở chỗ phá hủy thì nhiều hơn. Điều làm cho các nhà lập pháp ít khi thành công là họ khó tìm ra cái giản dị của thiên nhiên gắn liền với các nhu cầu của xã hội. Thật khó mà qui tụ tất cả các điều kiện nói trên; vì vậy rất ít thấy những nhà nước thật hoàn chỉnh.

Ở châu Âu còn có một xứ sở đủ điều kiện lập pháp, đó là xứ Corse (39) . Nhân dân xứ này đã biết giành lại tự do với giá cao và bằng tinh thần kiên trì. Họ đã xứng đáng có được một người lãnh đạo sáng suốt bày vẽ cho họ bảo vệ tự do. Tôi cảm thấy được rằng một ngày kia hòn đảo nhỏ bẻ này sẽ làm cho châu Âu kinh ngạc.

11. CÁC HỆ THỐNG LẬP PHÁP KHÁC NHAU

Nếu tìm xem điều tốt nhất cho tất cả mọi người, và đỉnh cao nhất của hệ thống lập pháp là cái gì, ta sẽ thấy điều đó qui gọn vào hai mục tiêu :Tự do và bình đẳng.
Tự do: Vì cá nhân bị mất tự do bao nhiêu thì cơ thể quốc gia giảm sút sức lực bấy nhiẽu.
Bình đẳng. Vì không có bình đẳng thì không thể nào có tự do được.

Tôi đă nói tự do đây cbỉ là tự do dân sự, còn về bình đẳng thì không nên hiểu là mọi mức độ quyền lực về tài sản đều phải tuyệt đối ngang nhau. Theo tôi, quyền lực phải đứng trên mọi bạo lực. Quyền lực chỉ thể hiện theo cấp bậc và theo luật pháp; còn tài sản thời không nên để một công dân nào giàu đến mức có thể mua một công dân khác; và không một công dân nào nghèo đến nỗi phải tự bán mình [10*].

Muốn thế thì phía các người giàu hạn chế của cải và trái khoản, phía người nghèo nên hạn chế tính tằn tiện và lòng thèm khát.

Sự bình đẳng này là điều tưởng tượng hão huyền không thể có trong thực tế.Nhưng nếu không tránh được sự lạm dụng thì ta có nên tìm cách điều tiết và hạn chế lạm dụng không ? Chính là vì lực của các vật luôn luôn có khuynh hướng phá bỏ sự đồng đều, còn lực của luật pháp luôn luôn nhằm bảo trì sự đồng đều (ND) .

Nhưng các mục tiêu chung nói trên của một thể chế tốt đẹp là Tự do và Bình đẳng sẽ tùy theo hoàn cảnh mỗi nước mà đổi khác do tình huống quốc gia và tính cách dân chúng mỗi nước không giống nhau. Mỗi dân tộc sẽ tự chọn lấy thể chế thích hợp riêng của mình.

Nếu nước các bạn quá hẹp, dân sống chen chúc, đất đai cằn cỗi, thì các bạn nên làm công nghiệp hoặc nghệ thuật để lấy sản phẩm vãn hóa và kỹ nghệ đổi lấy lương thực thực phẩm mà bạn thiếu. Trái lại, nếu các bạn có những cánh đồng phì nhiêu, đất đai rộng rãi nhưng dân cư thưa thớt, thì các bạn nên chăm lo nông nghiệp, khiến dân số tăng nhanh; mặt khác nên lánh xa nghệ thuật, là cái nghề chỉ qui tụ một ít dân tộc vào một vài điểm và làm cho quốc gia thưa thớt dân cư[11*].

Ví phỏng nước các bạn có những bờ biển kéo đài và thuận tiện, các bạn hãy chuyên việc đóng tàu, chăm nghề buôn bán và hàng hải để có một quốc gia xán lạn, tuy là ngắn ngủi.

Ví phỏng bờ biển nước bạn toàn là mỏm đá lô nhô không khai thác gì được, thì các bạn hãy chịu sống hoang dã, ăn cá để sống, các bạn sẽ được yên tĩnh và chắc chắn là hạnh phúc.

Tóm lại, ngoài những phương châm chung mà tất cả đều phải theo, mỗi dân tộc có một sự nghiệp riêng, nó quy định nên cách sống riêng và khiến cho chế độ lập pháp phải phù hợp với cách sồng đó.

Chính vì vậy mà ngày xưa dân tộc Hébreux cũng như ngày nay dân tộc Ả Rập lấy tôn giáo làm một mục tiêu chính. Dân Athène chuộng văn học, dân Carthage và Tyr chuộng buôn bán, dân Rhodes thạo nghề hàng hải, người Sparte thạo chiến chinh, người La Mã chú trọng đức hạnh. Tác giả sách "Tinh thần của các luật pháp" (40) đã đưa ra hàng loạt ví dụ chứng minh nhà lập pháp phải có nghệ thuật như thế nào để hướng thể chế đúng theo mục tiêu của nó.

Điều làm cho thể chế của một nước vững vàng, bền chặt thật sự chính là nó phải luôn luôn tôn trọng sự thỏa đáng, luôn luôn làm cho luật pháp và các quan hệ tự nhiên gặp nhau một cách hài hòa trên những điểm nhất định. Luật pháp đặt ra chỉ là để bảo đảm, hỗ trợ và điều chỉnh những quan hệ tự nhiên. Nếu nhà lập pháp nhận thức sai và các mục tiêu, nắm lấy một thứ nguyên tắc trái với nguyên tác tự nhiên của sự vật, khiến cho các mục tiêu chồng chéo nhau, cái thì nhằm vào phục tùng, cái thì nhằm vào tự do; mục tiêu này nhằm vào sự giàu có, mục tiêu kia lại nhằm tăng dân số, cái này nhằm vào hòa bình, cái kia nhằm vào chinh phạt... thì chúng ta sẽ thấy pháp luật mặc nhiên bị suy yếu, thể chế bị hư hỏng, nước nhà không ngừng chao đảo cho đến khi bị đổi thay hoặc bại hoại; và khi đó quy luật tự nhiên không ai cưỡng nổi sẽ ngự trị hoàn toàn.

12. PHÂN LOẠI CÁC LUẬT

Muốn xếp đặt cái tổng thể, làm cho các sự vật có được một hình thức tốt nhất, thì cần phải xem xét nhiều mối quan hệ khác nhau.

1) Trước tiên phải xem xét hoạt động của toàn bộ cơ thể tác động vào toàn bộ cơ thể như thế nào; tức là xét quan hệ giữa cái chung với cái chung, giữa cơ quan quyền lực tối cao với toàn bộ quốc gia. Mối quan hệ này, bao gồm những quan hệ của các yếu tố trung gian mà chúng ta sẽ xem xét sau.

Các luật điều chỉnh mối quan hệ chung nói trên gọi là luật chính trị, cũng gọi là luật cơ bản. Nếu luật cơ bản là sáng suốt, trong mỗi nước chỉ có thể có một cách duy nhất để sắp xếp mối quan hệ chung, thì nhân dân là người tìm ra cách sắp xếp đó nhất định sẽ ủng hộ luật cơ bản.

Nhưng nếu trật tự chung được sắp xếp tồi tệ thì ai còn thừa nhận các điếu sắp xếp ấy là luật cơ bản nữa!

Vả lại, vì mọi lý do, nhân dân luôn luôn có quyền thay đổi pháp luật, ngay cả những điều luật tốt cũng vậy. Có ai cấm một người muốn tự làm đau mình.

2) Mối quan hệ thứ hai là quan hệ giữa các thành viên với nhau, hoặc quan hệ giữa các thành viên với toàn bộ cơ thể xã hội. Mối quan hệ này có thể xem là rất nhỏ mà cũng có thể xem là rất lớn, bởi lẽ mỗi một công dân có thể là hoàn toàn tự do đốii với các công dân khác, mà cũng có thể là hoàn toàn phụ thuộc vào thành bang. Cả hai trạng thái đó đều do những biện pháp như nhau tạo nên; vì chỉ có sức mạnh của Nhà nước làm nên tự do của các thành viên trong quốc gia. Từ mối quan hệ thứ hai này nảy sinh các luật dân sự.

3) Còn có một loại quan hệ thứ ba là quan hệ giữa con người và luật pháp. Khi có kẻ không chấp hành nghĩa vụ, cưỡng lại luật pháp thì phải thiết lập ra luật hình sự. Đây là một thứ luật đặc biệt, có ý nghĩa là sự trừng phạt của mọi người đối với kẻ vi phạm.

4) Gắn liền với ba loại luật nói trên, có một loại thứ tư quan trọng hơn cả. Luật này không khắc lên đá, lên đồng, mà khắc vào lòng công dân, tạo nên hiến pbáp chân chính của quốc gia. Luật này mỗi ngày lại có thêm sức mới; khi các thứ luật khác đâ già cỗi hoặc tắt ngấm thì luật này thắp cho nó lại sáng lên, hoặc bổ sung, thay thế nó duy trì cả dân tộc trong tinh thần thể chế, lẳng lặng đưa sức mạnh của thói quen thay vào sức mạnh của quyền uy. Luật thứ tư này chính là phong tục tập quán, nói chung là dư luận nhân dân.

Đây là bộ phận mà chính sách của ta không biết đến, nhưng mọi cái khác đều phải tùy thuộc vào nó. Đây là bộ phận mà nhà lập pháp lớn phải thầm lặng quan tâm nghiên cứu trong khi họ tỏ ra dường như chỉ hạn chế trong các điều luật lệ cụ thể.

Luật pháp cụ thế chỉ là cái đỉnh vòm của cái cửa cổng, phong tục tập quán phát sinh muộn hơn, tạo thành cái khóa cửa không gì có thể lay chuyển nổi.

Trong bốn loại luật pháp nói trên, chủ đề nghiên cứu của tôi chỉ liên quan đến loại thứ nhất: các luật chính trị, luật cấu tạo nên hình thức cơ bản của nền cai trị quốc gia.

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*].Muốn cho một ý chí trờ thành ý chí chung, không nhất thiết lúc nào cũng phải tuyệt đối trăm người như một; nhưng điều cần thiết là mọi tiếng nói đêu được đếm xỉa tới. Nếu loại bỏ dù là một cách hình thúc, một sồ tiểng nói nào đó, thì ý chí chung sẽ bị tan rã.

[2*]. Hầu tuớc d'Argenson nói: Mỗi lợi ích có nguyên tắc riêng của nó. Hai lợi ích riêng hòa hợp được với nhau là do nó đối lập với lợi ích của người thứ ba. Có thể nói thêm rằng sự ăn ý của tất cả tạo thành cái đối lập với ý chí của mỗi một người. Nếu không có tí gì là lợi ích khác biệt nhau, người ta sẽ nhìn ra ngay lợi ích chung, không vướng một trở ngại nào; mọi việc sẽ tự nó trôi chảy; lúc đó chính trị thôi không còn là một nghệ thuật nũa.

[3*]. Machiavel nói: "Verss cose e che alcumi divisioni nuocono alle republiche es alcune giovano; quellê nuocono che sono delle song delle settec da partigieni aocompagnéte, quelle giovano che senze; sezza partigieni, simatengono. Non potendo adunque provedere un fandatore d'une republics che non siano nimicige in quella, ha da proveder almeno che non vi sieno sette. (Hist. Florent. Uy.VII) - Câu La tinh trên do tác giả chú thích, có nghĩa là: "Tất nhiên, có những cách phân chia gây hại và những cách phân chia có ích cho nền cộng hòa. Cách phân chia gây hại là phân chia bè đảng. Do dó người sáng lập nền cộng hòa muốn tránh mối nguy hại thì phải tìm hết cảnh bảo đảm cho trong nước không sợ bè đảng (Xem "Linh sử Florentis", quyển 7).

[4*]. Xin các bạn đọc chăm chú đừng vội phê phán tôi là trước sau mâu thuẫn. Do ngôn ngữ của ta còn nghèo, tôi không tránh được sự lúng túng trong thuật ngữ. Xin hãy chờxem đoạn sau.

[5*].Từ ngữ "Cộng hòa", theo tôi hiểu, không có nghĩa quí tộc hay dân chủ nói chung, mà nói chung là tất cả những chính phủ dựa vào ý chí chung, dựa theo luật. Chớ lầm lẫn chính phủ với cơ quan quyền lực tối cao: Chính phủ chỉ là các bộ. Như thế thì một nuớc quân chủ cũng có thể theo chế độ cộng hòa. Vấn đề này sê được làm sáng tỏ trong quyển sau.

[6*]. Một dân tộc chỉ trở nên nổi tiếng khi cơ quan lập pháp của dân tộc ấy bắt đầu suy thoái. Người ta không rõ cơ chế lập pháp của Lycurgue (xem chú thích ở 21 - ND) đưa lại hạnh phúc cho nhân dân thành bang Sperte trong vòng mấy thế kỷ nó mới bị đặt thành vấn đề trong các thành bang khác ở Hy Lạp.

[7*]. Nếu cho rằng Calvin (27) chỉ là một nhà thần học thì chưa hiểu dúng tài năng rộng lớn của ông. Ông đã góp nhiều công lao trong việc soạn thảo các pháp lệnh sáng suốt. Trong tôn giáo của ta ngày nay được dựa vào một số điều cách mạng như tình yêu tồ quốc, yêu tự do, mãi mãi soi sáng lòng ta, chính là nhờ ở con người vĩ dại này.

[8*]. Machiavel nói: "Eversmente mai non fu alcuno ordinatore di leggi straordinane in un popomo, che non ricorresse a Dio, perche altrimeuti non sarrebero accettate; perche sono molyi beni conosciuti da uno prudente, i quali non hanno in e regguoni de potergli persusdere ad altrui". (Discorai sopre fito Livis. tib.I, CXL (Câu latinh trên nghĩa là:" Thật ra không có một nhà làm luật đặc cách của bắt cứ dân tộc nào mà không chạy tới cầu khẩn Trời. Không làm thế thì họ không được ohầp nhận. Có nhiều phước lành mà các thánh hiểu rõ, nhưng người thường không tin vào đó được vì nó không hiển nhiên (Lời giảng trong tập kỷ I - Tito Uvo. Quyển I, chương 11) .

[9*]. Nếu hai nước gần nhau mà nuớc A phải nhờ vả nước B thì tình thế rất gay go cho nước A và rất nguy hiểm cho nước B. Mọi quốc gia thông minh trong cảnh ngộ dó sẽ cố sức giúp cho nước A mau thoát khối tình trạng phụ thuộc. Nước cộng hoà Thlascala chịu cảnh nô lệ trong đế quốc Mexique, thà chịu ăn nhạt chứ không mua muối của người Mexique, ngay cả cho không cũng không lấy. Các nhà thông thái trong dân tộc Thlasaca thầy rõ cái bẫy che giấu trong việc cho muối thoải mái ấy. Họ giữ được tự do; và chính là cái quốc gia nhỏ bé ấy, nằm trong đế quốc to lớn kia đã trở thành công cụ làm suy vong đế quốc Mexique.

[10*]. Muốn cho Nhà nước có sức chịu đựng, hai cực giàu nghèo nên xích lại nhau càng gần càng tốt, để khỏi phiền toái vì hai hiện tượng tự nhiên (giàu nghèo) này vẫn không thể tách rời nhau, đều trở ngại cho phúc lợi xã hội. Từ phía giàu nảy sinh bọn tội phạm của chuyên chế; từ phía nghèo nảy sinh các nhà chuyên chế. Việc buôn bán quyền tự do công cộng luôn luôn diễn ra giữa hai loại người này. Một bên mua tự do, bên kia bán tự do.

[11*]. Hầu tước d'Argenson nói: Một vài ngành ngoại thương chỉ đem lại lợi ích giả tạo cho quốc gia; nó làm giàu cho một số cá nhân, hoặc một số thành thị, còn toàn bộ quốc gia chẳng được gì, và dàn chúng cũng chỉ như cũ thôi.



QUYỂN THỨ BA

Trước khi nói đến các hình thức chính phủ khác nhau, ta hãy định nghĩa chính xác cái từ "Chinh phủ" mà xưa nay chưa ai giải thích thật đúng đắn.

1. CHÍNH PHỦ NÓI CHUNG

Xin nói trước với độc giả rằng chương này cần phải được thật nghiêm túc; vì tôi không có tài làm sáng tỏ vấn đề đối với kẻ nào không muốn chăm chú tìm hiểu.

Mỗi hành động tự do đều có hai nguyên nhân tạo sinh ra nó. Một nguyên nhân thường và một nguyên nhân vật lý.

Nguyên nhân thường tức là ý chí thúc đẩy người ta hành động. Nguyên nhân vật lý tức là cái lực tác động thành việc làm. Khi tôi đi đến một cái đích, trước hết phải là do tôi muốn tới đó; mặt khác phải có đôi chân đưa tôi tới đích. Người bại liệt đang muốn chạy và người nhanh nhẹn không muốn chạy, cả hai đều ở yên một chỗ như nhau.

Cơ thể chính trị cũng có những động lực như thế: sức mạnh và ý chí. Một cái gọi là quyền lực lập pháp; cái kia gọi là quyền lực hành pháp. Không có cái gì tự làm hoặc phải làm mà không dựa vào thứ quyền lực ấy.

Ta đã thấy quyền lực lập pháp thuộc về nhân dân và chỉ có thể thuộc về nhân dân mà thôi. Trái lại, quyền hành pháp không thể thuộc về cái chung như quyền lập pháp hoặc quyền lực tối cao, bởi lẽ quyền hành pháp chỉ liên quan đến những điều khoản cụ thể, không thuộc về thẩm quyền của luật cơ bản hoặc của cơ quan quyền lực tối cao, mà mọi cử chỉ cần phải là những đạo luật.

Vậy thì lực lượng công cộng phải có một nhân viên đứng ra tập hợp các sức mạnh, biến nó thành việc làm theo đúng hướng của ý chí chung, phục vụ cho mối liên hệ của quốc gia và của cơ quan quyền lực tối cao, tạo nên trong con người công cộng ấy một thứ liên hệ giống như trong con người thường, liên hệ giữa linh hồn với thể xác. Đó là cái lẽ khiến cho trong một quốc gia phải có chính phủ.

Chớ lẫn lộn chính phủ với cơ quan quyền lực tối cao. Chính phủ chỉ là các bộ của nhà nước mà thôi .

Vậy chính phủ là gì ?

Chính phủ là một cơ thể trung gian giữa các thần dân với cơ quan quyền lực tối cao, để hai bên tương ứng với nhau, thi hành các luật, giữ gìn quyền tự do dân sự cũng như tự do chính trị.

Các thành viên trong cơ thể trung gian này gọi là pháp quan hoặc các vua, tức là những người cai trị. Toàn bộ cơ thể trung gian này thì gọi là "Chính phủ"(41). Như vậy điều luật bắt nhân dân phải phục tùng chính phủ không phải là một khế ước (contrat). Ai nghĩ như vậy đều rất có lý.

Cơ thể trung gian này chỉ là một ủy viên hội; một cơ quan thực hành, trong đó các viên chức thực hiện những điều mà cơ quan quyền lực tối cao ủy thác, cơ quan quyền lực tối cao có thể hạn chế, sửa đổi, hoặc thu hồi quyền hành của các viên chức đó. Hủy bỏ quyền hành pháp là trái với bản chất của cơ thể xã hội do đó trái với mục đích của cộng đông xã hội.

Tên gọi sự thực hiện quyền hành pháp theo đúng luật là "Chính phủ", hoặc là "Cơ quan cai trị tối cao". Con người hoặc tổ chức được uỷ thác làm việc cai trị ấy thì gọi là "vị nguyên thủ" hoặc "pháp quan".

Trong chính phủ có các lực trung gian quan hệ với nhau, bao gồm cả quan hệ giữa cơ quan quyền lực tối cao với quốc gia. Có thể trình bày quan hệ này thành quan hệ giữa các cực trong một chuỗi tỷ lệ, mà tỷ lệ trung bình là chính phủ. Chính phủ nhận mệnh lệnh của cơ quan quyền lực tối cao, truyền tới dân chúng. Muốn cho quốc gia giữ được thế cân bằng thì các bên đều phải được đền đáp; một bên là công việc và quyền lực của chinh phủ, một bên là công việc và quyền lực của công dân, vừa là chủ nhân vừa là thần dân của chính phủ; hai bên chính phủ và công dân đều phải được đền đáp ngang nhau.

Chuỗi tỷ lệ nói trên rõ ràng là có ba mức độ: cơ quan quyền lực tối cao, chính phủ (pháp quan) và công dân (thần dân). Nếu một trong ba mức độ này bị xấu đi thì chuỗi tỷ lệ sẽ mất cân đối.

Nếu cơ quan quyền lực tối cao (vốn làm chức năng lập pháp muốn trực tiếp cai trị hoặc các pháp quan (vốn làm chức năng hành pháp) lại muốn đứng ra ban bố luật; hoặc các thần dân lại không muốn phục tùng, thì lập tức nước nhà xảy ra lộn xộn; sức mạnh và ý chí không tác động hài hòa; đất nước sẽ sa vào tình trạng chuyên chế hoặc vô chính phủ.

Cuối cùng do mỗi chuỗi tỷ lệ chỉ có thể có, được một tỷ lệ trung bình, cho nên trong một nước cũng chỉ có thể tồn tại một chính phủ tốt mà thôi. Nhưng do hàng ngàn biến thiên có thể làm thay đổi các quan hệ trong một dân tộc cho nên chẳng những nhiều loại chính phủ sẽ thích hợp với nhiều loại nước khác nhau mà ngay trong một nước cũng có thể có nhiều loại chính phủ tốt thích hợp với nhiều giai đoạn khác nhau.

Để có được ý niệm rõ rệt về các mối quan hệ giữa hai cực, tôi xin lấy ví dụ về dân số là một thứ quan hệ dễ diễn giải hơn.

Giả định một nước có mười nghìn công dân. Ở đây cơ quan quyền lực tối cao chỉ được coi như một cơ thể tiêu biểu cho tập thể; nhưng mỗi con người, với tư cách thần dân thì được coi như một cá nhân. Như vậy cơ quan quyền lực tối cao tỷ lệ với thần dân là mười nghìn so với một, nghĩa là mỗi thần dân chỉ có một phần mười nghìn quyền lực tối cao, mặc dầu anh ta phải đem hết mình phục tùng quyền lực tối cao. Nếu số dân cuả nước đó tăng lên thành một trăm nghìn thì tình trạng của thần dân vẫn không thay đổi, mỗi người đều gánh chịu toàn toàn bộ hệ thống luật pháp của nước nhà; nhưng tỉ trọng là phiếu của họ bi tụt xuống, chỉ còn một phần trăm nghìn, tức là mười lần nhỏ hơn trước. Như vậy, thần dân bao giờ cũng chỉ là con số một, mà cơ quan quyền lực tối cao thì tỉ trọng tăng lên theo số dân. Thế là: Nước càng lớn, tự do càng giảm.

Khi tôi nói một tỉ lệ tăng lên thì tôi hiểu rằng tỉ lệ đó càng xa mức quân bình. Như vậy tỉ lệ càng lớn theo khái niệm toán học thì mức so sánh càng tụt đi theo khái niệm thông thường. Trong khái niệm toán học, tỉ lệ được tính theo số lượng, đo bằng trị số. Trong khái niệm thông thường tỉ lệ được tính bằng lối so sánh và ước lượng theo mức độ quân bình.

Nếu ý chí cá nhân kém gắn bó với ý chí tập thể, tức là phong tục tập quán xa lạ với luật pháp, thì lực đàn áp sẽ phải tăng lên. Vậy một chính phủ muốn tốt thì phải mạnh tương ứng với mức tăng của dân số. Mặt khác quốc gia phình lên, quan lại càng có khuynh hướng và phương tiện để lạm dụng quyền uy, thì chính phủ càng phải có thêm lực để chế ngự dân chúng; và cơ quan quyền lực tối cao phải có thêm lực để chế ngự chính phủ. Ở đây tôi không nói về một lực tuyệt đối mà chỉ nói về cái lực tương đối của các bộ phận trong quốc gia.

Từ đó ta thấy rằng quan hệ giữa ba mức độ nối tiếp nhau, giữa cơ quan quyền lực tối cao, chính phủ, và dân chúng, không phải là một ý niệm tuỳ tiện, mà là hệ quả tất yếu, rút từ trong bản chất của cơ thể chính trị. Từ đó lại thấy thêm rặt g trong hai cực thì cực dân chúng, với tính cách thần dân, là cực cố định, thể hiện sự thống nhất. Mỗi lần quyền lợi chung (của hai cực) tăng hoặc giảm thì quyền lợi đơn phương (của một cực) cũng tăng hoặc giảm tương ứng, do đó vế trung gian cũng thay đổi . Thế là đủ để thấy rõ rằng không có một cấu trúc chính phủ nào là tuyệt đối, là duy nhất; mà có thể có mấy loại chính phủ khác nhau, tương ứng với bấy nhiêu cỡ quốc gia lớn nhỏ khác nhau.

Nếu có ai giễu cợt lối phân tích trên đây mà bảo rằng cứ việc khai căn số dân thì đã tìm ra tỷ lệ trung bình để tổ chức bộ máy chính phủ của một nước. Tôi xin trả lời rằng tôi chỉ lấy số dân làm một ví dụ; những tỉ lệ mà tôi nói ở đây không đơn thuần đo bằng số người, mà nói chung là đo bằng số lượng của hành động. Số lượng này hình thành bằng vô vàn lý do; vả lại muốn dùng ít lời lẽ khi giải thích, tôi phải mượn thuật ngữ toán học. Tuy nhiên tôi không quên rằng sự chính xác toán học không dùng để tính toán các số lượng tinh thần được (ND).

Chính phủ là nhỏ, mà cơ thể chính trị chứa đựng chính phủ là lớn. Đó là một con người tinh thần có những năng khiếu nhất định, chủ động như cơ quan quyền lực tối cao; thụ động như quốc gia, và người ta có thể phân giải con người tinh thần ấy thành nhiều mối quan hệ giống nhau, tạo ra một cấp độ mới, rồi một cấp độ mới nữa nằm trong cấp độ trước, theo như cấp độ của hệ thống toà án; cứ thế phân giải mãi cho đến các cấp độ trung bình không thể phân giải thêm lữa, tức là đến chỗ chỉ còn một thủ lĩnh tối cao, một pháp quan duy nhất trong bậc thang cấp độ đó, khác nào sự thống nhất của dãy số lẻ với dãy số nguyên.

Xin đừng bôi rối về chuyện có nhiêu cấp độ như trên. Ta hãy thỏa thuận coi chính phủ như một cơ thể mới trông cơ thể quốc gia, khác với dân chúng, và khác với cơ quan quyền lực tố cao, làm cơ thể trung gian giữa hại cực đó.

Bởi sự khác biệt chủ yếu giữa hai cơ thể nói trên mà quốc gia mới tồn tại do tự bản thân nó, và chính phủ thì tồn tại do cơ quan quyền lực tối cao, cho nên ý chí cao nhất của chính phủ phải là ý chí chung, phải là luật. Sức ạnh của chính phủ chỉ là sức mạnh công cộng qui tụ vào nó. Nếu chính phủ muốn tùy tiện xì ra một hành động chuyền quyền thì mối quan hệ toàn cục sẽ bắt đầu lơi lỏng. Cuối cùng, nếu như chính phủ có ý chí riêng mạnh hơn cả ý chí của cơ quan quyền lực tối cao, rồi sử dụng lực lượng mình nắm trong tay để thực hiện ý chí riêng ấy, thì một nước sẽ có hai cơ quan quyền lực tối cao, một cơ quan cao trong luật, và một cơ quan tối cao trong thực tế. Lúc đó sự thống nhất xã hội sẽ tan rã, cơ thể chính tri sẽ tàn lụi.

Tuy nhiên, muốn cho cơ thể chính phủ có một đời sống thực tế khác với cơ thể quốc gia; muốn cho mọi thành viên chính phủ có thể hoạt động hài hòa, đáp ứng được mục đích chân chính của nó, thì chính phủ phải có "cái tôi" cụ thể, có sự nhạy cảm chung của mọi thành viên, có một lực lượng, một ý chí riêng, nhằm tự bảo tồn mình. Đời sống thực tế của chính phủ đòi hỏi phải lập các hội đồng, các đoàn tư vấn, phải có quyền định đoạt, xử lý, có các quyền hạn, các chức vị, của chế độ ưu tiên giành riêng cho bộ máy chính phủ, khiến điều kiện sinh hoạt của các pháp quan phải được vẻ vang tương ứng với sự khó nhọc của họ.

Khó khăn là ở cách xếp đặt toàn bộ những cái bên dưới chính phủ; sắp xếp thế nào để nó không làm hỏng mất cấu trúc chung mà vẫn khẳng định được bản thân nó; làm thế nào cho chính phủ luôn luôn phân biệt được lực lượng chính phủ để bảo tồn chính phủ với lực lượng công cộng nhằm bảo tồn quốc gla. Nói tóm lại sắp xếp thế nào để luôn luôn có thể sẵn sàng hy sinh chính phủ vì nhân dân chứ không phải hy sinh nhân dân vì chính phủ(ND).

Ngoài ra, tuy cơ thể nhân tạo của chính phủ là sản phẩm của một cơ thể nhân tạo khác; tuy rằng chính phủ có một đời sống phụ thuộc, vay mượn, nhưng điều đó không ngăn cản chính phủ hoạt động một cách nhanh nhẹn, như một con người khoẻ mạnh. Cuốl cùng, chính phủ tuy không tách rời hẳn mục đích cấu tạo ra nó, vẫn giữ một khoảng cách nhất đinh so với mục đích, tùy theo phương thức cấu tạo ra nó.

Từ những điều khác biệt nói trên nảy sinh các mối quan hệ mà chính phủ phải có đối với cơ thể quốc gia, tùy theo những quan hệ cá biệt và bất thường, mà quốc gia phải phụ thuộc vào đó.

Nếu như mối quan hệ ấy bi hư hỏng thì thường khi ta thấy một chính phủ tốt nhất cũng trở thành chính phủ tồi tệ nhất.

2. NGUYÊN TẮC CẤU TẠO CÁC HÌNH THỨC CHÍNH PHỦ

Muốn trình bày nguyên nhân của những sự khác biệt trên kia, ta cần phải phân biệt vị nguyên thủ với chính phủ, cũng như tôi đã phân biệt Nhà nước với cơ quan quyền lực tối cao.

Bộ máy quan lại có thể bao gồm một số nhiều hay ít nhân viên. Chúng ta đã nói rằng dân số càng tăng thì tỉ trọng của cơ quan quyền lực tối cao so với thần dân càng lớn. Ta lại có thể nói y như thế trong tỉ lệ tương quan giữa chính phủ với quan lại.

Lực tổng quát của chính phủ là lực của quốc gia; điều đó không thay đổi. Nếu chính phủ càng dùng nhiều lực để tác động lên các nhân viên chính phủ thì phần lực còn lại để tác động vào dân chúng càng giảm đi.

Vậy quan lại càng đông, chính phủ càng yếu(ND). Đây là một châm ngôn cơ bản, cần giải thích thật rõ ràng. Ta có thể thấy trong con người một vị quan lại có ba ý chí khác nhau: Một là ý chí cá nhân của ông ta, chỉ nhằm mưu sự thành đạt cho bản thân mình. Hai là ý chí chung của cả lớp quan lại, chỉ liên quan đến sự thành đạt của chính phủ; có thể coi đó là ý chí tập thể chung của cả chính phủ, đồng thời là ý chí riêng của một bộ phận (chính phủ) trong toàn thể quốc gia. Ba là ý chí dân tộc hay ý chí tối cao, đây là ý chí chung, chung cho quốc gia như một tổng thể, và chung cho cả chính phủ như một bộ phận.

Trong chế độ lập pháp hoàn hảo, ý chí riêng hoặc ý chí cá nhân phải là số không; ý chí tập thể của chính phủ phải là rất phụ thuộc, do đó ý chi chung, ý chí tố cao luôn luôn phải là ý chí bao trùm, làm mực thước duy nhất cho ý chí khác.

Nếu theo trật tự tự nhiên tbì khác hẳn; các loại ý chí như trên rất linh hoạt, cơ hồ qui tụ vào làm một; ý chí chung luôn luôn là yếu nhất, rồi đến ý chí nhóm yếu thứ hai; và ý chí cá nhân mạnh hơn cả. Trong bộ máy chính phủ, mỗi chức viên trước hết là bản thân cá nhân anh ta, sau đó là một quan lại, cuối cùng một là một công dân.

Bậc thang ý chỉ theo trật tự tự nhiên trái ngược hẳn với nhu cầu của trật tự xã hội.

Đặt vấn đề như trên, ta thấy rằng chính phủ phải do một người nắm, ý chí riêng của người đó với ý chí cơ thể chính phủ hoàn toàn nhập lại, nên nó có một cường độ rất cao. Thế mà việc vận dụng lực là tùy thuộc vào cường độ của ý chí, mà lực tuyệt đối của chinh phủ thì không thay đổi, cho nên chính phủ năng động nhất sẽ là chính phủ của một người.

Trái lại, nếu ta nhập chính phủ với quyền lực lập pháp làm một, coi chính phủ như cơ quan quyền lực tối cao, coi mỗi công dân như một pháp quan; lúc đô ý chí bộ phận đồng nhất với ý chí toàn thể vẫn không linh hoạt hơn, khiến cho ý chí cá nhân được tác động với tất cả sức mạnh của nó. Như vậy chính phủ sẽ kém linh hoạt, vì lực tương đối của nó đã ở mức thấp nhất, trong khi lực tuyệt đối của nó vẫn không đổi.

Những mối quan hệ như trên là không chốl cãi được. Càng xem xét ta càng phải khẳng định như thế. Ví dụ: ta thấy rằng vị pháp quan trong cơ thể chính phủ năng nổ hơn người công dân trong cơ thể quốc gia, cho nên ý chí cá nhân trong hoạt động của chính phủ có ảnh hưởng nhiều hơn là trong hoạt động của quốc gia, vì mỗi ông quan đều được giao một chức vụ trong chính phủ, còn mỗi công dân tách rời ra thì chẳng có chức vụ gì trong quốc gia cả. Mặt khác quốc gia càng rộng lớn thêm thì lực lượng thực tế của quốc gia càng tăng, trong khi đó số lượng pháp quan không tăng thì chính phủ cũng không có thêm lực lượng thực tế, cho nên một khi quốc gia rộng lớn thêm thì lực lượng tương đối hay tính linh hoạt của chính phủ sẽ giảm bớt, bất kể lực tuyệt đối hoặc lực lượng thực tế của chính phủ có tăng hay không.

Chắc chắn là công tác càng giao cho nhiều người thì càng chậm xong, làm ăn quá thận trọng thì khó phát tài to, vì bỏ qua mất cơ hội, và bàn cãi nhiều thì thường hỏng việc.

Trên kia tôi đã chứng minh quan lại càng đông, chính phủ càng lỏng lẻo, và dân số càng lớn thì lực đàn áp càng phải tăng. Vậy thì tỷ lệ giữa quan lại với chính phủ phải nghịch với tỉ lệ giữa thần dân với cơ quan quyền lực tối cao; do đó quốc gia càng lớn chinh phủ càng phải chặt chẽ, cũng như dân chúng càng nhiều lên thì số quan lại cai trị càng phải giảm bớt đi.

Ở đây tôi chỉ nói về lực tương đối của chính phủ chứ không nói về sự đúng đắn của nó. Số pháp quan càng đông thì ý chí bộ phận của chính phủ càng gắn với ý chí toàn bộ; trái lại, nếu chỉ có một vị pháp quan duy nhất thì ý chí bộ phận chỉ là ý chí cá nhân. Như vậy được về mặt này thì mất về mặt khác; và nghệ thuật của nhà lập pháp là biết đặt đúng chỗ để ý chí và lực lượng của chính phủ luôn luôn tương đương nhau, phối hợp với nhau có lợi cho quốc gia nhiều nhất.

3. PHÂN LOẠI CHÍNH PHỦ

Ở chương trên ta đã thấy các hình thức chính phủ theo số lượng thành viên trong đó. Ở đây chúng ta xem xét thêm sự phân loại chính phủ.

Trước hết, cơ quan quyền lực tối cao có thể phó thác việc quản lý chính phủ cho toàn dân hoặc cho đại bộ phận dân chúng; như vậy sẽ có nhiều cóng dân - pháp quan hơn là số công dân thường. Ta gọi hình thức chính phủ này là "dân chủ".

Cũng có thể là cơ quan quyền lực tối cao rút hẹp chính phủ vào trong tay một nhóm nhỏ, như vậy sẽ có nhiều công dân thường hơn là số pháp quan. Hình thức chính phủ này gọi là "quí tộc".

Cuối cùng cơ quan quyền lực tối cao có thể tập trung quyền cai trị của chính phủ vào trong tay một pháp quan duy nhất; còn mọi pháp quan khác chỉ có quyền hạn cá nhân. Hình thức chính phủ thứ ba này gọi là "quân chủ".

Có ba hình thức chinh phủ kể trên, ít ra là hai hình thức đầu, đều nhạy cảm và có tầm hoạt động rộng rãi. Hình thức dân chủ có thể bao quát được toàn dân, hẹp nhất cũng bao quát được một nửa dân số. Hình thức quí tộc bao quát được từ một nửa đến một số ít dân chúng. Hình thức quân chủ cũng nhạy bén một mức độ nào đó. Thành bang Sparte thường xuyên có hai vua theo hiến pháp và đế quốc La Mã có tới tám vua một lúc, mà không ai coi đó là tình trạng đế quốc bi chia cắt.

Có một điểm chung mà hình thức trước trùng hợp với hình thức sau; đó là chính phủ cả ba hình thức cai trị nói trên đều nhạy bén tương ứng với các khuôn khổ, khác nhau của quốc gia với dân số đông hay ít.

Xin nói thêm rằng cùng một chính phủ mà có thể chia làm mấy bộ phận, mỗi bộ phận cai trì một cách khác nhau. Nhập cả ba hình thức lại có thể tìm ra nhiều hình thức hỗn hợp; và mỗi hình thức hỗn hợp lại có thể nhân lên với ba hình thức cai trị đơn thuần nói trên.

Thời đại nào người ta cũng tranh luận về hình thức cai trị của chính phủ, mà không phán đoán được rằng mỗi hình thức chỉ tốt trong trường hợp nhất định, và xấu trong những trường hợp khác.

Nếu số quan lại tối cao tỷ lệ nghịch với số công dân trong nước, thì ta có thể khái quát chung lại là: chính phủ dân chủ thích hợp với nước nhỏ, chính phủ quí tộc hợp với nước vừa và chính phủ quân chủ hợp với nước lớn (ND). Đó là qui luật rút ra từ nguyên lý. Nhưng làm sao mà tính được vô vàn trường hợp ngoại lệ, nảy sinh những hình thức chính phủ hỗn hợp khác nhau.

4. CHÍNH PHỦ DÂN CHỦ

Người làm ra luật biết rõ hơn ai hết cách thực hiện và giải thích luật. Dường như không có một hiến pháp nào tốt hơn là để quyền hành pháp gắn liền với quyền lập pháp. Nhưng theo cách này chi chính phủ sẽ !ệch lạc trên một vài phương diện; vì những cái phải phân biệt sẽ không còn phân biệt nữa; người cầm đầu chinh phủ với cơ quan quyền lực tối cao sẽ chỉ là một người, sẽ hình thành một thứ chính phủ không có chính phủ,

Người làm ra luật lại đứng ra thi hành luật thì không tốt; cũng như cơ thể dân tộc phải chuyển cách nhìn tổng quát của nó thành cách nhìn cá biệt là điều không tốt; không gì nguy hiểm hơn là để lợi ích tư túi ảnh hưởng vào công việc chung và người lập pháp bị sa đọa vì cách nhìn tư túi thì còn tồi tệ hơn cả chính phủ lạm dụng luật pháp (ND). Lúc đó quốc gia sẽ bị biến chất, mọi thứ cải cách đều không thể thực hiện.

Một dân tộc không bao giờ lạm dụng chính phủ cũng sẽ không lạm dụng quyền độc lập của mình. Một dân tộc luôn luôn được cai trị tốt thì không cần phải bị cai trị nữa.

Nếu hiểu thuật ngữ "dân chủ" một cách thật chuẩn mực thì ta sẽ thấy từ trước chưa bao giờ có dân chủ, và sau này cũng sẽ không bao giờ có dân chủ thật sự. Số đông đứng ra cai trị và số ít bị cai trị thì thật là trái ngược với trật tự thiên nhiên. Ta không thể tưởng tượng rằng cả dân tộc luôn họp lại để bàn cãi liên miên về công việc chung. Như vậy không nào lập ra được các ủy ban để làm việc, nếu không thay đổi hình thức cai trị.

Có thể xác định trên nguyên tắc rằng khi các chức năng của chính phủ được phân phối cho nhiều cơ quan hành pháp đảm đương thì sê có một số ít cơ quan sớm muộn sẽ giành được uy thế lớn, do công việc của họ dễ giải quyết hơn các cơ quan khác.

Mặt khác một chính phủ như thế làm sao mà tương ứng đi các sự việc phức tạp khó kết hợp. Trước hết, nước rất nhỏ thì dân chúng dể tập hợp, mỗi công dân có thể biết tất cả các công dân khác. Hai là, phong tục tập quán giản dị thì có thể lường trước các công việc và các cuộc tranh luận gai góc. Sau nữa, giữa các hạng người, giữa các mức độ tài sản phải có sự binh đẳng cao độ; nếu không thế thì không duy trì được lâu dài tình trạng bình đẳng trong các loại quyền hạn và quyền uy. Cuối cùng, phải rất ít hoặc không có sự xa hoa, vi xa hoa là do nhiều của cải, và muốn xa hoa phải giàu có. Cái xa hoa làm hư hỏng cả người giàu và người nghèo; giàu hư hỏng vì chiếm hữu, nghèo hư hỏng vì thêm khát; cái tệ xa hoa bán rẻ tổ quốc vì sự mềm yếu hoặc vì tính kiêu căng; nó tước mất công dân của nước nhà bằng cách làm cho người này phải nô lệ người khác và tất cả dân chúng thì nô lệ theo dư luận.

Do đó một tác giả nổi tiếng đã lấy đức hạnh làm nguyên tắc cho chế độ cộng hòa; vì mọi điều kiện dân chủ nói trên không thể tồn tại nếu không có đức hạnh. Nhưng ông ta đã quá chú ý đến sự phân biệt đức hạnh với tội lỗi, nên đôi khi ông thiểu công bằng, đôi khi thiếu sáng suốt, ông không thấy rằng quyền uy tối cao thì ở đâu cũng thế, và đức hạnh đã là nguyên tắc thì phải có trong mọi quốc gia được tổ chức tốt, tùy theo hình thức chính phủ ở mỗi nước mà đức hạnh tồn tại với mức độ nhiều hoặc ít mà thôi.

Xin nói thêm rằng chính phủ dân chủ hay chính phủ nhân dần đã phải chịu cảnh xáo động và nội chiến hơn bất cứ loại chính phủ nào, vì trong chế độ dân chủ người ta luôn luôn đòi hỏi mãnh liệt phải thay đổi hình thức, người ta cần nhiêu can đảm để giữ lấy quyền dân chủ đã giành được. Trong chế độ dân chủ, người công dân phải có sức mạnh và tính kiên trì, phải tâm niệm mỗi ngày câu nói nổi tiếng của một vị tỉnh trưởng[1*] đức hạnh trong cuộc hội thảo Tây Ban Nha: Malo pariculoaam lirbertelem quam quietum servilium (42).

Ví phỏng có một dân tộc "nhà trời" thì chấc là họ được cai trị dân chủ thật sự; chứ một hình thức chính phủ hoàn hảo đến thế thì không đáng cho con người trần gian được hưởng.

5. CHÍNH PHỦ QUÝ TỘC

Ở đây chúng ta có hai con người tinh thần khác nhau: Chính phủ và cơ quan quyền lực tối cao; cho nên cũng có hai ý chí chung; một ý chí chung của toàn bộ công dân, và một ý chí chung của các thành viên bộ máy cai trị. Như vậy, mặc dù chính phủ có thể thi hành các chính sách đôi nội theo ý mình, mà vẫn không thể nhân danh cơ quan quyền lực tối cao để nói chuyện với dân chúng, tức là chính phủ không thể nhân danh toàn dân được. Xin chớ quên điều này.

Các xã hội đầu tiên đã từng được cai trị theo phương thức quí tộc. Những người cầm đầu các thị tộc cùng nhau bàn giải công việc chung. Lớp người trẻ sẵn sàng nhường bước trước uy tín của các cụ già nhiều kinh nghiệm. Do đó mà có các tên gọi như "đạo trưởng" "cổ nhân", "trưởng lão" "bô lão" v.v... Các bộ lạc mông muội ở Nam Mỹ ngày nay vẫn còn tự cai trị như thế và họ được cai trị rất tốt.

Nhưng dần dần sự bất bình đẳng trong thể chế vượt lên trên sự bất bình đẳng trong tự nhiên, cái giàu và cái mạnh[2*] được coi trọng hơn tuổi tác; tầng lớp quí tộc được bầu cử ra; cuốl cùng quyền lực được chuyển tay cùng với tài sản từ đời cha sang đời con; hình thành những gia tộc quí phái, chính phủ trở thành bộ máy gia truyền; và người ta thấy những vị "trưởng lão", "bô lão" chỉ có hai mươi tuổi.

Như vậy, có ba loại chính phủ quí tộc: loại tự nhiên, loại bầu cử, và loại gia truyền. Loại thứ nhất chỉ thích hợp với các dân tộc giản đơn; loại thứ ba tồi tệ nhất; loại thứ hai là tốt nhất, đó là loại chính phủ quí tộc chính cống.

Chính phủ quí tộc bầu cử có cái hay là hai quyền lập pháp và hành pháp được tách bạch ra, và các nhân viên chính phủ được chọn lọc qua bầu cử. Với một chính phủ nhân dân thì mọi công dân sinh ra đã là pháp quan; nhưng ở đây, với chính phủ quí tộc thì số pháp quan bị hạn chế trong một ít người, họ chỉ trở thành pháp quan sau khi được bầu cử[3*]. Phương pháp bầu cử làm cho lòng trung thành, trí sáng suốt và kinh nghiệm trở thành những bảo đảm mới cho con người được cai trị một cách thông minh.

Hơn nữa, trong chính phủ quí tộc bầu cử, các hội đồng được thành lập một cách thuận lợi, công việc được bàn bạc chóng vánh, được thực hiện một cách cần mẫn và trong trật tự; uy tín quốc gia ở ngoài nước do các vị trưởng lão có uy tín bảo vệ thì hơn là do hàng trăm kẻ tầm thường không tên tuổi.

Tóm lại, trật tự tốt nhất và hợp tự nhiên nhất là để cho các người thông thái cai trị dân chúng. Ta có thề tin chắc rằng họ cai trị vì lợi ích dân chúng chứ không phải vì lợi ích bản thân họ.

Chẳng cần phải thêm số người thẩm quyền lên cho nhiều một cách vô ích. Cái mà một trăm người chọn lọc làm được tốt thì không nên giao cho hai vạn người làm, nhưng phải nhận thấy rằng trong trường hợp này lợi ích cơ thể sẽ bắt đầu tác động, nó điều khiển lực lượng công cộng của toàn dân kém đi chứ không được đúng theo qui tắc của ý chí chung như trong thể chế dân chủ . Dưới thề chế quí tộc bầu cử không tránh khỏi tình trạng quyền lực hành pháp sẽ có lúc bị giảm sút phần nào do một khuynh hướng tất yếu , gây tổn thương đến hiệu lực của luật, tức là của quyền lập pháp.

Tính toán sao cho thỏa đáng, thì ta thấy chính phủ quí tộc không hợp với một nước quá nhỏ, một dân tộc quá giản đơn và chất phác, đến mức việc hành pháp trực tiếp thể hiện ngay lập tức ý chí chung như trong một thể chế dân chủ tốt. Mặt khác chính phủ quí tộc cũng không hợp với một nước quá lớn, đến mức các thủ lĩnh địa phương có thể tách khỏi thủ lĩnh tối cao, mỗi người độc lập làm chủ một phương.

Nhưng nếu chính phủ quí tộc đòi hỏi ít đức hạnh hơn là chính phủ nhân dân, thì cũng cần một số đức hạnh nhất định. Nó đòi hỏi người giàu phải có chừng mực và người nghèo phải biết yên phận. Ở đây sự bình đẳng tuyệt đố bị hạn chế. Ngay ở thành bang Sparte thời xưa cũng không có được bình đẳng tuyệt đối.

Nếu hình thức chính phủ quí tộc bao gồm sự bất bình đẳng tài sản một mức nào đó, thì chính là để cho một số người có thể dành hết thời gian của mình vào việc điều hành công tác chung, chứ không phải như Aristote dự tính là để cho người giàu được ưu thế hơn. Trái lại, vẫn cần phải xóa bỏ sự bất bình đẳng, phải giáo dục cho dân chúng thấy rằng trong các giá trị con người còn có những cái quan trọng hơn cả sự giàu có.

4. CHÍNH PHỦ QUÂN CHỦ

Từ đầu tới giờ chúng ta coi chính phủ như một con người tinh thần tập thể, con người thống nhất bởi sức mạnh của pháp luật, và được ủy thác với tư cách là quyền lực hành pháp. Đến đây, chúng ta hãy xem xét cái quyền lực thống nhất ấy nằm trong tay một con người thật bằng xương bằng thịt; chỉ một mình ông ta có quyền sắp xếp mọi việc theo luật pháp. Con người này được gọi là nhà vua hoặc hoàng đế.

Khác với mọi hình thức cai trị kể trên, mà con người tập thể đóng vai trò của một cá nhân. Ở đây một cá nhân đóng vai trò con người tập thể. Ở đây sự thống nhất tinh thần trong chính phủ đồng thời là một sự thống nhất vật lý. Mọi cơ năng của luật pháp thống nhất trong cơ thể chính phủ, đã phát huy bao nhiêu khả năng, thì ở đây nó trở thành thống nhất một cách hoàn toàn, và cũng phát huy bấy nhiêu khả năng.

Như vậy ý chí cá nhân của dân chúng và ý chí của chính phủ, sức mạnh công cộng của quốc gia và sức mạnh riêng của chính phủ đều qui về một mối, chuyển theo một nguyên động lực. Mọi cơ năng của bộ máy đêu nằm trong một bàn tay. Tất cả hướng theo một mục đích. Không hề có những vận động ngược chiều triệt tiêu tác dụng của nhau. Không thể nghĩ ra một cấu trúc nào trong đó chỉ cần dùng chút ít cố gắng cũng tạo ra được một hoạt động mạnh mẽ đến như thế. Nhà vật lý Archimède (43) lặng lẽ ngồi trên bờ, nhẹ nhàng kéo chiếc thuyền lớn theo chiều sóng vỗ, đó là hình ảnh một vị hoàng đế khéo léo đang cai quản quốc gia rộng lớn từ trong cung điện của mình. Ông làm cho tất cả đều chuyển động trong khi bản thân ông thì dường như đứng im.

Nhưng, nếu không có một thứ chính phủ nào hiệu nghiệm hơn loại chính phủ quân chủ này, thì một kiểu khác cũng không có một thứ chính phủ nào mà ý chí cá nhãn lại có tầm rộng lớn và khống chế mọi ý chí khác một cách dễ dàng đến thế. Mọi cái đều đi theo một mục đích. Thật như vậy đấy. Nhưng cái đích ấy phải đâu là cái được dân chúng hoan nghênh. Ngay sức mạnh của chinh phủ cũng thường quay lại làm tổn thương sức mạnh của đất nước.

Các ông vua đều muốn chuyên chế; và từ xa người ta đã kêu to lên với họ rằng muốn chuyên chế được thì biện pháp hay nhất là hãy làm cho dân chúng yêu vua (ND). Phương châm này thật là đẹp và thật là đúng. Tiếc thay trong các triều đình người ta thường bất chấp và chế giễu phương châm đó.

Sức mạnh tạo ra bằng lòng thương yêu của dân chúng là sức mạnh lớn nhất. Nhưng sức mạnh này thật là tạm thời và có điều kiện; chẳng bao giờ các vị hoàng đế lại vừa lòng với sức mạnh ấy. Các ông vua mạnh nhất thường muốn làm ác mà vẫn giữ nguyên địa vị độc tôn. Nếu nhà thuyết khách nói với vua rằng sức dân là sức vua, quyền lợi lớn nhất của vua là dân được ấm no, đông đúc, mạnh khoẻ, thì các vị hoàng đế cũng thừa biết rằng điều đó không phải là đúng đối với họ.

Quyền lợi cá nhân của vua trước hết là dân phải hèn yếu, đáng khinh và không bao giờ có thể chống lại được vua.

Giả định rằng thần dân luôn luôn cúi rạp phục tùng, lúc đó quyền lợi của vua sẽ là sự cường thịnh của dân; vì sức mạnh ấy khiến cho các nước láng giềng phải vì nể vua. Nhưng quyền lợi này vẫn chỉ là thứ yếu và phụ thuộc; cho nên các vị hoàng đế chỉ thích nghe câu châm ngôn thứ hai, vì nó có lợi trực tiếp cho họ. Đó là câu của Samuel (44) nói với người Hébreux (45), điều mà Machiavel (46) đã chứng minh rất rõ. Machiavel giả đò khuyên vua chúa, nhưng thật ra ông đã nêu những bài học lớn thật sự cho nhân dân. Cuốn sách "Ông Hoàng" (Le Prince) của ông chính là cuốn sách của các nền cộng hòa[4*].

Chúng ta đã thấy rằng trong mối tương quan chung thì chính phủ quân chủ chỉ thích hợp với các nước lớn, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu loại chính phủ này.

Sự cai quản công cộng càng nhiều thì quan hệ giữa chính phủ với thần dân càng lỏng lẻo và càng đi gần tới chỗ bình đẳng, đến mức bình đẳng như trong chế độ dân chủ. Mối quan hệ giữa chính phủ và thần dân càng tăng lên, càng bớt lỏng lẻo, chừng nào mà chính phủ co hẹp lại, tự siết chặt lại, siết chắc đến mức tối đa tức là chính phủ nằm gọn trong tay một cá nhân. Lúc này có một khoảng cách rất lớn giữa nhân dân với chính phủ: thiếu mất những mối dây liên hệ. Để tạo nên những mối dây liên hệ cần thiết này phải có các trật tự trung gian, phải có các hoàng thân, các quan lớn, các nhà qúi tộc để bù vào chỗ trống đó, tất cả những cấp bậc trật tự trung gian này không thích hợp với một nhà nước nhỏ bé, vì nước nhỏ thì các cấp trung gian sẽ không sống nổi.

Nhưng nếu nước lớn là khó cai trị, thì để cho một người cai trị lại càng khó mà cai trị cho tốt; và khi hoàng đế giao quyền cho các vị công hầu thay thế mình để cai trị thì sẽ rối rắm biết bao.

Khuyết tật chủ yếu và tất yếu của một chính phủ quân chủ là không bao giờ tiếng nói công cộng của nhân dân được đưa lên tới hàng tối cao (ND). Ở hàng tối cao này đáng lẽ phải có những người học vấn, tài năng, thì thường khi lại là những kẻ quấy rối, thạo lừa đảo, khéo âm mưu. Chúng chỉ là những tài năng nhỏ mọn, một khi giành được địa vị chúng sẽ bộc lộ những điều xuẩn ngốc. Khuyết điểm này làm cho chế độ quân chủ thua hẳn chế độ dân chủ.

Dân chúng chọn lựa thi ít nhầm lẫn hơn một ông vua chọn lựa. Cho nên hiếm thấy một người cầm đầu chính phủ cộng hòa mà lại ngốc nghếch, cũng như hiếm thấy một ông quan xứng đáng trong trêu đình của nhà vua. Nếu ngẫu nhiên có một người xứng đáng, đủ tài cầm cân nảy mực trong một chế độ dân chủ, giữa cái mớ quan lại cạo giấy, thì cũng khó mà tìm ra nguồn gốc của ông ta. Đó sẽ là sự kiện quan trọng đánh dấu cả một giai đoạn lịch sử quốc gia vậy.

Muốn cho một nước quân chủ được cai trị tốt, thì chiều rộng của quốc gia phải đo ngang với tài năng của đức vua trị vì.

Chinh phục thì dễ hơn là quản lý. Với một đòn bẩy cứng có thể dùng ngón tay mà làm rung chuyển hoàn cầu; nhưng giữ cho trái đất quay một cách ổn định phải có nhiều đôi vai của thần Herecule.

Đối với một nước lớn vừa phải thôi, thì ông vua bao giờ cũng là bé nhỏ. Nếu tầm rộng lớn của quốc gia chưa xứng với tài trí bao la của ông vua- đấy là trường hợp rất họa hoằn-, thì đất nước vẫn không được cai trị tốt đâu; bởi vì vua cứ theo tầm nhìn bao la của mình mà quên mất lợi ích thường ngày của dân chúng. Ông vua tài trí đó cũng không làm cho dân chúng bớt khổ hơn là một ông vua kém cỏi làm khổ dân vì sự dốt nát của mình.

Dưới chế độ quân chủ dường như là đất nước cứ phải phình rộng ra hoặc co hẹp lại tùy theo tài năng của mỗi đời vua. Thật ra đất nước phải có biên giới cố định, người cai trị phải có tài năng đúng chuẩn thì mọi việc mới tránh khỏi lủng củng.

Điều bất lợi rõ rệt nhất của loại chính phủ một người này là chế độ kế vị cha truyền con nối. Nhược điểm này liên quan đến hai nhược điểm khác. Vua chết đi, phải lập ngay vua mới, thế là có một quãng giao thời nguy hiểm đầy sóng gió. Dân chúng thì chẳng quan tâm gì lắm và vẫn giữ tính chất bình di trọn vẹn như xưa; nhưng các bè đảng mưu toan lập tức xen vào công việc. Kẻ đã được người ta bán nước cho thường không đem nước mà bán lại lần nữa. Hắn sẽ bóp nặn bọn yếu hèn để bù vào món tiền mà người ta lấy của hắn khi bán nước cho hắn. Sớm muộn rồi mọi thứ trong cái nền cai trị này đều có thể dùng tiền mà mua được cả. Cảnh "bình yên" khi đất nước có vua lại còn tồi tệ hơn cảnh hỗn loạn trong buổi giao thời.

Người ta đã làm gì để phòng ngừa khuyết tật này? Người ta biến ngai vàng thành một vật cha truyền con nối. Người ta đặt ra lệ luật ngăn chặn sự tranh ngôi khi vua chết, bằng cách chỉ định người phụ chính; lấy cái bất tiện trong việc phụ chính để thay cho sự bất lợi trong việc đặt vua mới. Người ta thích cái vẻ êm thấm bề ngoài hơn là một nền cai trị thông minh. Thà đem bọn nhóc con hoàng tử kì quặc và ngốc nghếch lên ngôi còn hơn là chọn tìm một ông vua anh minh. Người ta chẳng nghĩ rằng làm như thế để tránh rủi ro trong buổi giao thời chính là tự mình chống lại mọi điều may mắn.

Khi vua cha Denys (48) mắng hoàng tử về một hành động bỉ ổi, Denys con đã trả lời sắc sảo: "Chính ông đã làm gương cho tôi đó! Ông nội tôi ngày xưa có phải là vua đâu!" [5*].

Dưới chế độ dân chủ, tất cả đều nhằm tước bỏ lý trí và sự thông minh của con người được đặt lên ngôi trị vì thiên hạ. Người ta hết sức quan tâm dạy cho các hoàng tử nắm được nghệ thuật trị vì. Nhưng hình như dạy dỗ cũng chẳng ích gì. Họ bắt đầu dạy các hoàng tử phải vâng lời, dễ bảo. Các bậc minh quân được lịch sử ca ngợi thường không được dạy về cách trị vì. Trị vì là một khoa học mà người ta không bao giờ tiếp thu được khi đã học nó quá nhiều; và người ta nắm được nghệ thuật trị vì trong khi phục tùng nhiều hơn là trong khi chỉ huy. (Nam utilissium idem ac breviscimus bonarum male rumque rerum detectus cogitare quid aut nolueris sub alio principe, sut volueris) [6*] (49) .

Tính không kiên định của chính phủ quân chủ gây ra nhiều điều lủng củng. Nó xử lý công việc khi thì bằng kế hoạch này khi thì bằng kế hoạch nọ, tùy theo tính nết của mỗi đời vua, hoặc tùy theo bọn người được vua ủy thác. Nó không thể theo đuổi một mục đích nào ổn định, cũng không thể có một phương châm hành động lâu bền. Nhà nước cứ chao đảo từ phương châm này sang phương châm nọ, từ dự án nọ sang dự án kia. Điều này không thể xảy ra với một chính phủ dân chủ mà thủ lĩnh luôn luôn nhất quán. Nhìn chung người ta thấy rằng một triều đình thường lắm mưu ma chước quĩ, và trong một nghị viện thì lắm trí thông minh (ND). Các nhà nước cộng hòa đi tới đích theo những quan điểm nhất quán và liên tục. Trái lại, trong cung đình thì mỗi lần nổi dậy là một lần thay đổi phương châm. Thói thường của tất cả các quan thượng thư và hầu hết các ông vua là đảo lại công việc ngược chiều với người trước mình.

Từ điều lủng cũng nói trên rút ra một lối ngụy biện quen thuộc của chính trị quân chủ: họ gắn cho chính phủ những đặc điểm của gia đình, trong đó vua quan là cha, dân là con cái - sai lầm này đã bị loại bỏ rồi - họ lại còn gắn cho pháp quan mọi đức tính cần có và các vua là người hoàn hảo bậc nhất. Do đó họ cho rằng chính phủ quân chủ là tốt hơn tất cả các loại chính phủ khác. Vì nó là mạnh nhất, không ai chối cãi được. Muốn cho chính phủ quân chủ trở thành tối ưu thì chỉ còn thiếu một điều duy nhất là ý chí của bộ máy nhà nước phải phù hợp hơn nữa với ý chí thần dân.

Nhưng, nếu vua là một con người hiếm có [7*] như Platon (50) nói: thế thì thiên nhiên và số phận đã ban thưởng tài năng hiếm có cho vua được mấy lần? Giáo dục hoàng gia xưa nay chỉ làm hư hỏng các hoàng tử; tại sao cứ phải hy vọng vào những người kế vị được đào tạo để đưa lên ngai vàng?

Chẳng qua người ta chỉ lạm dụng, đánh lộn sòng khái niệm "chính phủ quân chủ" với khái niệm "minh quân". Muốn hiểu chính phủ quân chủ là cái gì thì phải xét đến các ông vua ác hoặc có khuyết tật, bởi vì chính những kẻ ấy mới leo lên ngai vàng và chính ngai vàng làm cho họ thành tồi tệ.

Những kẻ dựng nên nhà nước quân chủ không lạ gì những khuyết tật kể trên, nhưng họ có bối rối đâu. Bài thuốc chữa bệnh của họ là truyền bảo cho dân chúng: "Hãy cứ lặng lẽ mà phục tùng. Khi Trời giận dữ thì Trời phái vua ác xuống trị vì, dân gian hãy ráng mà chịu đựng hình phạt của Thượng đế".

Lời thuyết giáo thật là thánh thiện! Nhưng tôi cho rằng nên đưa câu ấy vào cuốn sách chính trị thì hơn là đưa lên bục giảng của mục sư.

Ta sẽ nói gì khi một bác sĩ hứa hẹn với người bệnh về phép lạ của Chúa. Tất cả nghệ thuật của anh ta chỉ là khuyên con bệnh chịu khó chờ đợi mà thôi.

Ai chẳng biết rằng gặp phải chính phủ tồi tệ thì mình chịu vậy; nhưng vấn đề đặt ra sẽ là: Phải tìm ra một chính phủ tốt.

7. NHỮNG HÌNH THỨC CHíNH PHỦ HỖN HỢP

Nói đúng ra, không hề có chính phủ theo một loại đơn thuần, một thủ lĩnh duy nhất cũng phải có các quan lại dưới quyền. Một chính phủ nhân dân cũng phải có người cầm đầu Như vậy, trước sự phân phối quyền lực hành pháp luôn luôn phải có những cấp bậc từ lớn đến nhỏ; đôi khi cấp trên phải phụ thuộc vào cấp dưới, đôi khi cấp dưới phải phụ thuộc vào cấp trên.

Có lúc sự phân phối đồng đều khiến cho các cấp bậc liên tiếp nhau đều phụ thuộc lẫn nhau như trong chính phủ nước Anh. Cũng có lúc quyền lực của mỗi bộ phận đều độc lập với nhau, nhưng đều không hoàn chỉnh, như ở Ba Lan. Hình thức này không tốt, vì không có thống nhất ít trong chính phủ, quốc gia thiếu sự liên hệ chặt chẽ.

Vậy so sánh một chính phủ đơn thuần với một chính phủ hỗn hợp thì chính phủ nào hay hơn? Câu hỏi làm xao động trong giới chính khách. Trả lời câu hỏi này thì phải tách bạch ra như tôi đã phán tích ở các chương trên.

Chính phủ đơn thuần là tốt hơn khi nó là đơn thuần thật sự Nhưng khi quyền lực hành pháp không phụ thuộc vào quyền lực lập pháp thì chính phủ có nhiều quan hệ với quyền lực tối cao hơn là quan hệ với dân chúng, phải sửa lại sự chênh lệch đó bằng cách chia chính phủ ra; như vậy mỗi bộ phận chính phủ sẽ không có đủ quyền lực đối với thần dân, và tổng thể chính phủ sẽ kém phần mạnh mẽ trong quan hệ với quyền lực tối cao.

Người ta còn ngăn ngừa điều bất lợi nói trên bằng cách đặt một số pháp quan trung gian; chính phủ vẫn nguyên vẹn, không bị phân chia, pháp quan điều hòa quyền lập pháp với quyền hành pháp và giữ quyền hạn của mình một cách tương ứng. Trường hợp này không phải là chính phủ hỗn hợp mà là chính phủ dung hòa.

Người ta có thể dùng những biện pháp tương tự để sửa những điều bất lợi khác. Khi chính phủ quá yếu, họ lập ra các cơ quan hành pháp để tập trung quyền lực. Cách này được ứng dụng với tất cả các chính phủ dân chủ. Biện pháp phân chia chính phủ như trên là để làm cho chính phủ (quân chủ) yếu bớt đi, còn trong trường hợp này phân chia chinh phủ (dân chủ) là để tăng cường khả năng của chính phủ. Các dạng chính phủ đơn thuần thì mạnh hoặc yếu đến mức tối đa, dạng chính phủ hỗn hợp thì giữ sức mạnh ở mức trung bình.

8. KHÔNG PHẢI HÌNH THỨC CHÍNH PHỦ NÀO CŨNG THÍCH HỢP VỚI MỌI QUỐC GIA

Tự do không phải là kết quả của mọi khí hậu. Tự do cũng không phải vừa tầm với mọi dân tộc. Càng suy nghĩ về nguyên lý trên đây của Montesquieu càng thấy có lý. Càng chối cãi ta càng gặp những trường hợp chứng minh nguyên lý đó là đúng.

Trong mọi thứ chính phủ trên đời này, con người công cộng chỉ tiêu dùng mà không sản xuất gì hết. Từ đâu mà có những thứ tiêu dùng cho con người công cộng đó ? Từ lao động của các thành viên quốc gia. Đó là phần thặng dư của những cá nhân sản xuất các thứ cần thiết cho công chúng.

Suy rộng ra, ta thấy nhà nước dân sự chỉ có thể tồn tại chừng nào mà lao động của con người sản xuất có thể làm ra dư thừa hơn mức họ cần dùng.

Nhưng phần thặng dư nói trên không phải ở nước nào cũng như nhau cả. Nước này thặng dư khá nhiều, nước kia chẳng được mấy tý, nước khác chẳng có chút nào, lại có nước bị thâm hụt.

Điều này tuỳ thuộc ở khí hậu, đất đai, ở tính chất của sản xuất, ở sức mạnh của dân cư, ở nhu cầu tiêu dùng nhiều hay ít, và ở nhiều thứ khác cấu tạo nên sức tiêu dùng.

Mặt khác, không phải mỗi chính phủ đều cùng một bản chất như nhau. Có chính phủ ngốn ngấu nhiều, có chính phủ tiêu pha ít thôi. Những sự khác nhau về mặt này lại dựa trên một nguyên tắc khác. Sự đóng góp càng xa nguồn thì lại càng tốn kém. Không thể đo gánh nặng đóng góp bằng số lượng thuế khoá, mà phải đo bằng con đường chu chuyển của đóng góp; thuế khoá rút từ người sản xuất rồi trở lại tay người sản xuất như thế nào. Nếu con đường chu chuyển này mà nhanh, gọn thì bất kể đóng góp nhiều hay ít, dân sự luôn giàu có tài chính quốc gia luôn trôi chảy. Trái lại, nếu con đường chu chuyển này tồi tệ, dân chúng góp tay ít nhưng chẳng thu về được gì mãi rồi kiệt quệ; nhà nước không giàu lên được, dân thì ăn mày, trộm cắp.

Vậy chính phủ càng xa dân thì gánh nặng của dân càng tăng lên. Cho nên trong chế độ dân chủ gánh nặng đóng góp của dân là nhẹ, trong chế độ quí tộc thì nặng hơn một mức, và nặng nề nhất là trong chế độ quân chủ . Chế đô quân chủ chỉ thích hợp với những nước lớn và giàu, chế độ qui tộc với các nước vừa phải, chế độ dân chủ với các nước nhỏ và nghèo.

Cho nên càng suy nghĩ về vấn đề này ta càng thấy sự khác biệt giữa nhà nước tự do với nhà nước quân chủ. Trong nhà nước tự do tất cả đều được dùng cho lợi ích công cộng, trong các loại nhà nước khác thì lợi ích công cộng và lợi ích tư nhân bù trừ lẫn nhau, phía này tăng lên thì phía kia giảm xuống; trong chế độ quân chủ đáng lẽ cai trị dân để cho dân sung sướng thì các vua chúa chuyên chế chỉ làm cho dân nghèo khổ để dễ bề cai trị .

Trong mỗi vung khí hậu, thiên nhiên đã qui đinh nên có hình thức chính phủ nào và tính chất dân chúng nên như thế nào để thích hợp với khí hậu vùng đó.

Những nơi khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, sản phẩm không xứng với lao động, thì nên bỏ hoang, hoặc để cho dân man rợ ở. Những nơi làm ăn chỉ vừa đủ tiêu dùng thì nên để cho dân bán khai ở; các vùng này chưa thể ứng dụng một chế độ chính trị nào. Những nơi có thể làm ăn dư dật chút ít thì thích hợp với dân tự do. Những nơi đất phì nhiêu, làm ít thu hoạch nhiều, nên được cai trị theo chế độ quân chủ, dùng thói xa hoa của vua chúa để tiêu phí cho hết cái dư dật của thần dân; vì phần thặng dư lao động ấy do chính phủ tiêu xài thì hơn là để cho tư nhân sử dụng.

Tôi biết những trường hợp ngoại lệ; nhưng cả những ngoại lệ ấy cũng chứng minh qui luật là sớm muộn rồi sẽ có những cuộc cách mạng để đưa sự vật vào qui củ theo trật tự thiên nhiên.

Cần luôn luôn phân biệt các qui luật phổ biến với các nguyên nhân cá biệt có thể điều chỉnh bớt hiệu quả của qui luật. Nếu tất cả vùng Nam đều có những nước cộng hoà, và tất cả vùng Bắc đều có những nước quân chủ, thì dường như qui luật chung không đúng theo ảnh hưởng của khí hậu :Xứ nóng hợp với chế độ quân chủ, xứ lạnh hợp với chế độ bán khai, và các xứ ôn đới trung gian thích hợp với những thể chế tốt hơn.

Tôi còn thấy rằng trong khi chấp nhận nguyên tắc, người ta vẫn có thể bàn cãi về cách vận dụng. Ví dụ: xứ lạnh cũng có những vùng rất phì nhiêu, và phương Nam ầm áp cũng có nơi cằn cỗi. Điều khó lý giải này chỉ khó với những ai không chịu xem xét toàn diện. Xin nói là phải tính đến những quan hệ về lao động, về lực lượng, về sức tiêu thụ, v.v..

Giả định có hai vùng đất đai ngang nhau, nhưng vùng A năng suất năm, vùng B năng suất mười. Nếu dân cư vùng A tiêu thụ bốn mà vùng B tiêu thụ chín, thì phần thặng dư của vùng A là một phần năm, mà của vùng B thì là một phần mười. Tỉ lệ giữa hai vùng về số thặng dư ngược lại với tỷ lệ về năng suất. Vùng đất năng suất năm lại tạo ra một khối thặng dư gấp đôi vùng đất năng suất mười. Nhưng ở đây không có vấn đề về khối sản phẩm gấp đôi; và tôi không tin rằng có kẻ nào lại dám nói độ phì nhiêu chung của xứ lạnh cao bằng độ phì nhiêu chung của xứ nóng.

Vả lại, nếu giả định có sự bằng nhau về tỷ lệ phì nhiêu nói chung như trên, ở nước Anh cũng ngang như ở Sicile. Ở Ba Lan cũng như ở Ai Cập, thiên về phía Nam, ta có châu Phi và Ấn Độ; thiên về phía Bắc chẳng còn gì nữa. Ví phỏng độ phì nhiêu thật là ngang nhau, thì vẫn có sự chênh lệch về canh tác. Ở Sicile chỉ cần gãi đất lên, ở Anh phải cày bừa cẩn thận. Vậy ở đâu phải bỏ ra nhiều lao động trên một sản phẩm thì ở đó phần thặng dư tất phải ít hơn.

Ngoài ra, nên nhớ rằng dân xứ nóng tiêu thụ ít hơn dân xứ lạnh. Khí hậu xứ nóng buộc người ta phải ăn uống thanh đạm để giữ được sức khoẻ. Người Châu Âu sang ở xứ nóng mà muốn ăn uống như khi ở nước mình thì chỉ chết vì kiết lỵ hay táo bón. Chardin (51) viết: "So với người châu Phi thì chúng ta là những con vật ăn tươi nuốt sóng như chó sói. Có người nói dân Ba Tư ăn uống thanh đạm vì đất đai của họ ít trồng trọt. Tôi cho rằng người Ba Tư ít trồng trọt vì họ chẳng ăn uống bao lăm. Nếu cái tính thanh đạm là hậu quả của tình trạng đói kém thì chỉ người nghèo mới ăn uống thanh đạm thôi chứ; hoặc tùy theo mỗi tính giàu, nghèo mà sức ăn phải khác nhau chứ. Ở đây cái nết thanh đạm là chung cho mọi người, khắp cả nước. Họ còn tự hào về nếp uống thanh đạm, và họ kiêu hãnh về nước da của người Ba Tư đẹp hơn người theo đạo Gia-tô nhiều. Thật vậy, dân Ba Tư có nước da mịn màng, còn như dân Arménie ở Châu Âu thì da thô, nâu, thân thể ục ịch".

Càng đến gần vùng xích đạo càng thấy dân chúng sống đơn giản. Hầu như họ rất ít ăn thịt. Gạo, bắp, khoai, kê là thức ăn hàng ngày của họ. Ở Ba Tư có hàng triệu người khẩu phần ăn hàng ngày chưa tới một xu. Ngay ở Châu Âu ta cũng thấy khẩu phần ăn của dân vùng Bắc khác dân vùng Nam. Một bữa ăn của người Đức có thể bằng tám bữa của người Tây Ban Nha. Trong các nước mà người ta thích ăn uống thì cái nết xa hoa cũng thể hiện ngay trong sự ăn uống. Người Anh chưng lên bàn ăn toàn những món thịt. Người Ý thì bày biện thanh lịch, chỉ đường ngọt với hoa thơm.

Trong cái mặc cũng có sự khác biệt như thế. Những nơi khí hậu thay đổi đột ngột người ta mặc tốt và giản dị. Trái lại có nơi người ta mặc chỉ để chưng diện, ham lòe loẹt hơn là thực dụng; đối với họ mặc quần áo là để tỏ sự xa hoa. Ở Naples (52) các bạn thấy người ta dạo chơi hằng ngày trên đồi Pauxilippe (53) với bộ cánh màu vàng rực rỡ nhưng chân trần không bít tất.

Về kiến trúc cũng vậy. Nếu không sợ gió bão phá hỏng thì người ta xây dựng thật nguy nga. Người Paris và Luân Đôn ở chỉ cốt cho ấm và đủ tiện nghi. Người Madrid tạo những phòng khách thật choáng lộn, các cửa sổ mở toang, nhưng họ ngủ trong ổ như ổ chuột.

Thức ăn ở các xứ nóng có nhiều chất, vừa ngon vừa bổ. Đây là điều khác biệt thứ ba, không thể không ảnh hưởng tới việc mặc. Tại sao ở Ý người ta ăn nhiều rau. Vì rau ở Ý rất tốt, nhiều chất bổ và ngon miệng. Ở Pháp rau không được ngon và bổ, nên không được coi trọng trên các bàn ăn; thế mà trồng rau cũng chiếm khá nhiều đất đai và lao động. Lúa mì ở Barbarie (54) không ngon như ở Pháp, nhưng có nhiều chất bột; lúa mì ở Pháp lại có năng suất cao hơn các xứ phía Bắc.

Từ điểm này ta có thể rút ra các mức độ khác nhau một cách tương tự từ vùng xích đạo tới vùng bấc cực. Các xứ phương Bắc, cùng một lượng sản phẩm mà rút ra được ít thực phẩm hơn các xứ phương Nam, phải chăng đó là một sự thiệt thòi.

Ngoài mấy nhận xét kể trên, tôi có thể nói thêm một điều nữa, là các xứ nóng còn ít dân cư hơn xứ lạnh, nhưng lại có khả năng nuôi sống nhiều người hơn xứ lạnh. Điều này tạo thêm lợi thế và sự dư dật cho chế độ quân chủ; đất rộng, người thưa thì khó vận động cách mạng khó mà gặp gỡ, bàn tính với nhau một cách nhanh chóng và bí mật, chính phủ dễ tìm cách khám phá, ngăn cản cắt đường liên lạc của các tổ chức cách mạng. Nhưng một nước dân cư đông, ở chen chúc thì chính phủ khó mà làm chuyện lấn át cơ quan quyền lực tối cao. Các thủ lĩnh bàn tính công việc một cách an toàn trong cơ quan cũng như thủ tướng bàn việc trong nội các, và dân chúng dễ tập hợp trên quảng trường cũng như quân đội dễ tập hợp trong các phố.

Lợi thế của chính phủ quân chủ là ở khả năng hoạt động tầm xa. Nhờ lập ra các điểm tựa mà sức mạnh của chính phủ tăng lên như những chiếc đòn bẩy[8*]. Còn sức mạnh của dân chúng thì trái lại nó chỉ tác động khi dân ở tập trung. Sức mạnh ấy sẽ bốc hơi và mất đi khi ở thưa thớt, giống như thuốc súng rải ra trên mặt đất, chỉ có thể cháy từng hạt một. Các nước thưa dân cư cũng là chỗ thích hợp cho chế độ độc tài giống như loài ác thú chỉ ngự trị ở những vùng hoang dã.

9. DẤU HIỆU CỦA MỘT CHÍNH PHỦ TỐT

"Thế nào là một chính phủ tốt?". Nếu hỏi một cách tuyệt đối như thế thì câu hỏi này thật là mông lung, khó giải đáp hoặc muốn có bao nhiêu đáp án cũng được, tùy theo cách nhìn hỗn hợp tương đối và tuyệt đối của nhân dân.

Nhưng nếu hỏi: "Căn cứ vào những dấu hiệu nào để biết một dân tộc được cai trị tốt ?" thì đó lại là chuyện khác, có thể giải đáp được trong thực tế.

Tuy nhiên, người ta vẫn không giải đáp vấn đề này đâu; vì mỗi người muốn giải đáp theo cách của mình. Là nhân dân thì người ta thích sự yên tĩnh công cộng; là công dân, người ta thích quyền tự do cá nhân, thần dân thích cho quyền sở hữu được vững chắc; công dân thích sự vững chắc của con người. Một bên thích chính phủ thật nghiêm, bên kia muốn chính phủ thật hiền. Anh thần dân mong chính phủ trừng phạt các tội phạm, anh công dân chỉ mong ngăn ngừa tội ác. Anh kia chỉ mong người ta chẳng biết nước mình là ai . Một anh hài lòng về tiền tệ lưu thông phong phú; anh kia mong cho dân đủ bánh mì ăn là được. Một anh thích cho nước mình được dân tộc láng giềng kính nể.

Ví phỏng chính phủ thỏa mãn hết các điều nói trên, và các điều tương tự nữa, thì câu hỏi đặt ra có được giải đáp tốt hơn hay không?

Không thể dùng thước để đo các phẩm chất tinh thần được, ta phải đo nó bằng dấu hiệu vậy.

Người ta thường không biết gì đến một dấu hiệu thật là giản đơn, hoặc không tin rằng dấu hiệu giản đơn này có thể dùng được. Mục đích cuối cùng của một tập thể chính trị là gì? Chính là sự bảo toàn và phát triển của các thành viên tập thể. Vậy dấu hiệu chính xác nhất của sự bảo toàn và phát triển ấy là gì ? Chính là số lượng và mật độ dân cư.

Chẳng phải tìm các dấu hiệu nào khác nữa. Dấu hiệu này ở đâu cũng như nhau cả. Một chính phủ không dùng đến biện pháp ngoại lai, không di dân các nơi khác đến, không đi chinh phục thuộc địa, mà dân trong nước ngày càng đông đúc, thì nhất định phải là một chính phủ tốt.

Một chính phủ mà để cho dân ngày càng hao mòn, suy nhược, số dân ngày càng giảm sút; đó là chính phủ tồi tệ nhất (ND). Đó, xin mời các nhà hạch toán hãy cân, đo, đong đếm và so sánh đi [9*].

Đạo lý của sách vở là "lợi ích thô thiển mở mồm tác giả". Nói gì thì nói, chứ một nước dầu nổi tiếng vang lừng mà dân số cứ giảm sút thì nhất định không phải là ở đây mọi việc đều trôi chảy cả đâu. Và đừng thấy một nhà thơ thu nhập tới mười vạn đồng livres mà tưởng rằng thời đại của ông là huy hoàng hơn mọi thời đại khác. Đừng quá tin vào sự yên tĩnh nghỉ ngơi của các thủ lĩnh để cho rằng nuớc đó thịnh trị. Phải nhìn vào phúc lợi của nhân dân cả nước, và nhất là nhìn xem quốc gia có trù mật hay không. Trận mưa có thể phá hoại hoa màu mấy tổng, nhưng không gây nạn đói trong cả nước. Những cuộc tao loạn làm cho các nhà cầm quyền sợ hãi, nhưng không phải là tai họa thật sự đối với nhân dân, mặc dầu nhân dân cũng có khi bị thả nổi trong lúc người ta tranh chấp với bọn bạo chúa đang trị vì.

Tình trạng phồn vinh hoặc điêu đứng thật sự của nhân dân nảy sinh một cách thường xuyên mới là đáng chú ý. Khi cả nước quằn quại dưới ách chuyên chế thì mọi thứ đều phải héo queo, vì bọn bạo chúa đang tự do tàn hại dân chúng. Ubi solitudinem factunt, pacem appellant (Câu la tinh có nghĩa là : "Chúng biến tất cả thành sa mạc và nói : Đó mới là thế giới". (Tacite - Agricole, tập 3O-ND).

Khi các quan trong triều đình Pháp tranh chấp nhau, triều đình lục đục, vị Giáo chủ hậu bổ Paris phải thủ túi dao găm khi đến hội trường, thì dân chúng nước Pháp vẫn sống sung túc, đông đảo, trong cảnh bình yên, lương thiện.

Thuở xưa Hi Lạp đã phồn vinh trong khi có chiến tranh ác liệt. Máu chảy thành sông mà nước Hi Lạp vẫn đầy người. Machiavel nói: Dường như nước cộng hòa của chúng ta mạnh hơn lên ngay trong khi đang xảy ra nội chiến. Chém giết nhau, hạ bệ nhau. Đức hạnh, phong tục và sự độc lập của dân chúng có sức làm mạnh quốc gia hơn là những cuộc tranh chấp làm yếu quốc gia. Một ít rung chuyển sẽ tạo cho tâm hồn con người có sức bật; và con người phát triển được nhờ có tự do là chính, là nhiều hơn nhờ ở trạng thái yên bình.

10. CHÍNH PHỦ LẠM QUYỀN VÀ THOÁI HOÁ

Vì ý chí riêng thường hay tác động ngược lại ý chí thung, cho nên chính phủ cũng thường hay có ý hướng làm trái với quyền lực tối cao của dân chúng. Cái ý hướng ấy càng tăng thì cấu trúc quốc gia càng suy giảm. Do không có một ý chí có thể nào cưỡng lại để cân bằng với ý hướng nói trên của chính phủ, nên nhất định sớm muộn rồi chính phủ cũng lấn át quyền lực tối cao của toàn dân, phá hoại mất hiệp ước (traité) xã hội. Đó là mối nguy hại tiềm tàng cố hữu trong một cơ thể chính trị từ khi nó mới hình thành; chẳng khác gì cái già và cái chết tiềm tàng phá hoại cơ thể con người vậy.

Có hai con đường dẫn chính phủ đến chỗ thoái hóa: khi chính phủ siết chặt lại mãi, và khi chính phủ tự buông lỏng, tự tiêu vong.

Chính phủ tự siết chặt từ số lớn xuống số nhỏ, tức là từ dân chủ xuống quí tộc, từ quí tộc xuống quân chủ. Đó là sự sa đọa tự nhiên của chính phủ [10*]. Nếu chính phủ biến hoá từ số nhỏ sang số lớn (từ quân chủ sang quí tộc, đến dân chủ) thì ta gọi là chính phủ tự buông lỏng, nhưng sự chuyển biến ngược này là không thể có được.

Thật sự, không bao giờ chính phủ thay đổi hình thức khi mà sức bật của nó đã rệu rã nhưng chưa làm cho nó yếu đến mức không thể giữ nguyên hình thức cần có. Tuy nhiên, nếu chính phủ buông lỏng thêm nữa bằng cách dàn trải mình ra, thì sức mạnh của nó sẽ mất hẳn; chính phủ khó mà tồn tại được; phải nâng nó dậy, lên giây thiều cho nó; nếu không làm thế thì trạng thái hiện hữu của chính phủ sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Người ta không quên nhắc tôi chú ý tới nền cộng hòa La Mã, La Mã đã đi theo một quá trình ngược lại, chuyển từ quân chủ sang quí tộc rồi từ quí tộc sang dân chủ, nhưng tôi không nghĩ như vậy.

Thể chế đầu tiên của Romulus (Vua đầu tiên sáng lập ra La Mã, trị vì từ 753-715 tr.CN; theo truyền thuyết, ông là người hiếu chiến, bị phái quí tộc ghét, ông biến mất trong một cơn giông bất ngờ khi ông đang duyệt binh - ND) là một thể chế hỗn hợp, thoái hóa đột ngột thành chuyên chế. Do những nguyên nhân cá biệt, Nhà nước này tan rã trước khi hình thành như một đứa trẻ chết ở tuổi vị thành niên. Cuộc phế truất của vua Tarquin (xem chú thích số 35 - ND) chính là giai đoạn hình thành nền cộng hòa. Nhưng ngay từ đầu nền cộng hòa chưa mang một hình thức cố định, vì sự nghiệp mới thực hiện nửa vời, chỉ xóa bỏ tầng lớp quí tộc Patriciat mà thôi. Làm như thế tầng lớp quí tộc truyền đời vẫn tồn tại, đó là thế lực tồi tệ nhất, đối lập với nền dân chủ. Cho nên hình thức chính phủ La Mã vẫn bấp bênh, không khẳng định dứt khoát. Sau này Machiavel đã chứng minh rằng nền dân chủ La Mã chỉ dừng lại ở việc thiết lập chế dộ hộ dân quan "tribum". Chỉ đến lúc đó mới có một chính phủ thực sự với một nền dân chủ thực sự. Dân chúng chẳng những là người nắm quyền lực tối cao mà còn là cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp, nghị viện chỉ là một cơ quan thứ cấp để điều hoà và tập trung việc cai trị; các quan chấp chính "Consul" dù là nhà quí tộc, hay vị pháp quan nhất đẳng hay bậc tướng lĩnh cao cấp trong thời chiến đi nữa, cũng chỉ là những nguời chủ trì hội nghị nhân dân La Mã mà thôi. Thời kỳ đó, người ta thấy chính phủ La Mã thiên hướng khá mạnh sang thể chế quí tộc. Tầng lớp quí tộc patriciat bị xoá bỏ rồi, lớp quí tộc còn lại không ở trong hàng ngũ quan viên patriciens như ở Venise và Gêne. Nhưng trong cơ cấu nghị viện gồm có quan viên quí tộc patriciens và quan viên bình dân "Plébiens". Ngay các vi hộ dân quan tribuns khi đã đoạt lấy quyền cai trị, dù họ được gọi là gì đi nữa, họ vẫn cai trị theo lợi ích cuả nhân dân. Đó là một nền cai trị theo thể chế quí tộc.

Việc giải tán chính phủ có thể xảy ra trong hai trường hợp: Thứ nhất là khi người cầm đầu chính phủ không cai trị theo pháp luật, mà lấn át cơ quan quyền lực tối cao. Lúc đó có sự thay đổi rõ rệt; không phải chính phủ, mà là quốc gia tự siết chặt lại. Tôi muốn nói là quốc gia lớn tan biến, hình thành một quốc gia khác trong quốc gia cũ, chỉ gồm các nhân viên chính phủ mà thôi. Trước mặt nhân dân chỉ còn lại ông chủ và kẻ độc tài. Thế là sau khi chính phủ cố cưỡng đoạt mất quyền lực tối cao, thì công ước (pacte) xã hội bị phá bỏ; mọi công dân trở lại với quyền tự do thiên nhiên của họ. Họ bị cưỡng bức mà phải phục tùng, chứ không phục tùng vì nghĩa vụ.

Thứ hai, cùng trường hợp tương tự như trên, các thành viên chính phủ thoán đoạt quyền hành một cách riêng rẽ (đáng lẽ họ phải thực hiện quyền hành một cách tập thể). Đây không phải chỉ là việc vi phạm pháp luật một cách giản đơn; mà nó còn gây ra lộn xộn lớn. Có bao nhiêu pháp quan thì thành ra bấy nhiêu ông thủ tướng. Cả quốc gia cũng như chính phủ bị chia nhỏ, bị tan rã, hoặc thay hình đổi dạng.

Tình trạng quốc gia tan rã, cũng như tình trạng chính phủ lạm quyền đều được gọi là vô chính phủ (anarchie). Nền dân chủ mà thoái hóa thì gọi là "chế độ quần chúng loạn xạ" (ochlocratie), chính phủ quí tộc thoái hoá gọi là "chế độ quả đầu, đại tộc trị" (oligarchie). Tôi xin nói thêm : chế độ quân chủ thoái hóa thì thành ra "chế độ bạo chúa" (tyranie). Nhưng thuật ngữ cuối cùng này còn hơi mơ hồ, cần được giải thích.

Khi trong nền cai trị quí tộc có hiện tượng lạm dụng; nảy sinh các cuộc nội chiến, rồi thiết lập chế độ "tam quan chấp chính" (Triumsvirat), thì ba ông Sylla, Jules César và Auguste trở thành ba vị hoàng đế thật sự. Cuối cùng nền chuyên chế cuả Tibère, nhà nước La Mã tan rã.

Lịch sử La Mã không phủ định, mà củng cố những điều tôi đã trình bày trên. Theo nghĩa thông thường, bạo chúa là một ông vua cai trị bằng bạo lực, bất chấp cả công lý và pháp luật. Định nghĩa thật chính xác thì bạo chúa là một cá nhân tự choán lấy quyền hành của các ông vua mà thực ra hắn không có quyền ấy. Người Hy Lạp hiểu hai tiếng bạo chúa là kẻ độc tài, kẻ độc tài ấy có thể là tốt hoặc xấu nhưng pháp luật không trao quyền cho mà tự choán lấy quyền [11*].

Vậy bạo chúa là đồng nghĩa với "kẻ thoán đoạt" .

Muốn đặt tên khác nhau cho sự việc khác nhau, ta gọi kẻ thoán đoạt ngôi vua là bạo chúa (tyran) và kẻ thoán đoạt quyền lực tối cao của nhân dân là tên độc tài, kẻ chuyên chế (despota) . Bạo chúa là người can thiệp tùy tiện vào pháp luật rồi cai tri theo pháp luật. Tên độc tài (hoặc chuyên chế) thì giẫm đạp hẳn lên pháp luật. Như vậy, bạo chúa không nhất định là chuyên chế, mà chuyên chế thì bao giờ cũng là bạo chúa.

Aristote trong sách "Đạo lý nicôm", tập 8, trang 10 đã phân biệt bạo chúa với nhà vua. Bạo chúa vì mình mà cai trị , vua thì cai trị vì lợi ích thần dân. Ngoài ra các tác giả Hy Lạp còn định nghĩa "bạo chúa" một cách khác; như Senophon, trong sách Hiéron (bàn về bạo chúa) cũng dựa theo sự phân biệt cuả Aristote nhưng lại nói rằng từ khi khai thiên lập địa đã có nhiều vua chứ không phải chỉ có một vua mà thôi.

11. CƠ THỂ CHÍNH TRỊ SUY VONG

Trên kia đã trình bày cái dốc thoái hoá không tránh khỏi của những chính phủ được tổ chức khá nhất. Nếu Sparte và La Mã đã phải suy vong thì còn có quốc gia nào hy vọng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Muốn có thành quả, xin đừng màng đến những điều không làm nổi. Xin chớ tự lừa phỉnh mình rằng công việc nhân tạo của ta có sức bền vững như công trình tạo hóa.

Cơ thể chính trị cũng như cơ thể con người, bắt đầu chết từ khi nó mới sinh ra, và mang ngay trong mình nó những nguyên nhân của hủy diệt. Nhưng cơ thể chính trị cũng như cơ thể con người đều có thể có một cấu trúc đủ to khoẻ để duy trì nó bền lâu đến một mức nhất định. Cấu trúc con người là tác phẩm của thiên nhiên, cấu trúc nhà nước là tác phẩm của nghệ thuật nhân tạo. Con người kéo dài đời sống của Nhà nước theo ý muốn, bằng cách tạo cho Nhà nước một cấu trúc tốt nhất. Một cấu trúc tốt nhất rồi cũng có lúc tan rã, nhưng nó vẫn bền lâu hơn các cấu trúc khác, nếu không có một sự cố bất ngờ nào khiến nó phải suy vong trước kỳ hạn.

Nguyên lý của cuộc sống chính trị nằm trong quyền uy tối cao. Quyền lập pháp là trái tim của quốc gia, quyền hành pháp là bộ não làm cho các bộ phận hoạt động. Bộ não có lúc bị tê liệt mà người vẫn còn sống được một cách đần độn, nhưng khi trái tim ngừng đập thì con người chết ngay lập tức.

Nhà nước tồn tại không do các đạo luật mà do quyền lập pháp.

Luật hôm qua không giống luật hôm nay, nhưng nó cứ được mặc nhiên chấp nhận trong im lặng coi như cơ quan quyền lực tối cao vẫn chuẩn y các đạo luật cũ mà họ không hủy bỏ. Đã một lần họ ưa thích nó thì họ cứ ưa thích mãi cho đến lúc họ muốn xoá bỏ nó.

Tại sao người ta lại quá tôn trọng các đạo luật cũ như vậy? Chính vì cái lẽ đã nói trên. Chỉ có tính ưu việt của ý chí cổ đại mới giữ được các đạo luật lâu bền đến thế. Nếu cơ quan quyền lực tối cao qua các thời nối tiếp nhau không nhận các đạo luật ấy là bổ ích, thì họ đã xóa bỏ chúng hàng nghìn lần rồi, do đó, các đạo luật cổ xưa không yếu đi mà còn được thêm sức mạnh ở tất cả những quốc gia có cấu trúc tốt. Định kiến của cổ nhận mỗi ngày càng khiến cho các đạo luật xưa thêm vẻ tôn nghiêm.

Trong khi khắp nơi luật pháp bị lỗi thời và kém hiệu lực thì các đạo luật cổ xưa được tôn kính; điều này chứng tỏ ràng ngày nay quyền lập pháp không còn nữa, nhà nước đã suy vong mất rồi.

12. DUY TRÌ QUYỀN UY TỐI CAO NHƯ THẾ NÀO ?

Cơ quan quyền lực tối cao không có sức mạnh nào ngoài quyền lực lập pháp, nên chỉ hoạt động bằng các đạo luật. Các đạo luật là hành vi hợp thức của ý chí chung; cho nên quyền lực tối cao chỉ có thể tác động khi dân chúng họp lại.

Người ta sẽ bảo : Họp toàn dần ư? Kỳ quặc nhỉ!

Vâng, đó là chuyện kỳ quặc ngày nay, chứ hai nghìn năm về trước, đó là chuyện bình thường.

Vậy có phải ngày nay con người đã đổi tính chất rồi chăng? .

Trong các sự kiện tinh thần, giới hạn của khả năng không hẹp như ta tưởng. Sự yếu đuối, những tật xấu, những thành kiến đã thu hẹp khả năng của chúng ta lại. Những tâm hồn thấp kém không hiểu nổi các vĩ nhân cũng như những người nô lệ hèn mọn nhe răng cười chế giễu khi nghe nói hai tiếng "Tự do".

Có thể coi cái do người làm ra như một sự vật tự nó nảy sinh. Tôi không nói về những nền cộng hòa cổ xưa ở Hi Lạp, mà xin nói về nền cộng hòa La Mã. Đây là một quốc gia lớn. Thành phố La Mã là thành phố lớn. Cuộc kiểm kê cuối cùng cho biết La Mã có hơn bốn mươi vạn công dân cầm vũ khí; toàn đế quốc La Mã có trên một triệu công dân, chưa kể các thần dân ngoại kiều, phụ nữ, trẻ em và nô lệ.

Thử tưởng tượng xem nếu thường xuyên hội họp toàn dân thủ đô La Mã và ngoại thành thì sẽ phiền toái biết bao! Thế mà ngày xưa toàn dân La Mã thường hội họp hàng tuần, có khi một tuần họp mấy lần nữa kia! Qua các cuộc họp này họ đã thực hiện quyền lực tối cao của dân chúng, và còn thực hiện một phần quyền lực của chính phủ nữa. Họ giải quyết một số công việc, luận bàn một số vấn đề . Trên quảng trường quốc gia toàn dân thường đóng những vai pháp quan hơn là những công dân.

Lần ngược trở lên những thời đại xa xưa nhất của các dân tộc, ta thấy phần lớn các chính phủ, ngay cả chính phủ quân chủ, như dân tộc Macédoine, dân tộc Franc đều đã từng có lối họp toàn dân như thế.

Dù sao, người ta không thể bác bỏ cách làm tốt đẹp này; nhờ nó mà giải quyết được mọi khó khăn. Từ hiện thực đến khả năng, tôi thấy hệ quả rõ ràng là tốt .

13. TIẾP THEO

Nếu chỉ họp toàn dân một lần để qui định rõ hiến pháp rồi chuẩn y một cơ quan pháp luật thì chưa đủ. Nếu chỉ họp toàn dân để lập ra một chính phủ thường trực và bầu ra các vị pháp quan một lần là xong thì cũng chưa đủ. Phải có những hội nghị bất thường khi gặp việc cần bàn mà chưa dự kiến trước, lại cần phải có những cuộc họp định kỳ không ai được phép trì hoãn hoặc xóa bỏ; cứ đến ngày, đến hạn là toàn dân về họp, do pháp luật triệu tập, chứ không cần một hình thức thủ tục triệu tập nào cả.

Nhưng ngoài những phiên họp hợp pháp như trên, các cuộc họp khác không do người có thầm quyền triệu tập theo đúng thể thức qui định thì đều là bất hợp pháp, dù có bàn ra chuyện gì cũng chỉ coi bằng không; bởi vì ngay việc quyết đinh họp hay không họp cũng phải toát ra từ luật.

Còn như các cuộc họp đinh kỳ nên thưa, nên nhặt như thế nào thì tuỳ theo tình huống cụ thể, chứ không ai định ra một qui tắc nào nhất định được. Tuy nhiên, có thể nói một cách khái quát ràng chính phủ càng mạnh thì vai trò quyền lực tối cao của nhân dân càng phải biểu hiện thường xuyên.

Có người sẽ hỏi tôi: Họp toàn dân như thế thì chỉ làm tốt được trong một thành phố thôi chứ? Nếu quốc gia có nhiều thành phố thì làm thế nào ? Hay là chia nhỏ quyền uy tối cao ra? Hay là, tập trung nó vào một thành phố chính, và để các thành phố khác đóng vai trò phụ đới ?

Xin trả lời: Không nên làm như thế.

Trước hết, quyền uy tối cao là duy nhất: nếu chia nhỏ ra nó sẽ bị phá hủy. Vả lại thành phố này không thể lệ thuộc vào thành phố khác; cũng như quốc gia này không thể lệ thuộc vào quốc gia khác một cách hợp pháp được. Thực chất của một cơ thể chính trị là ở sự hài hòa giữa phục tùng và tự do; chữ "Công dân" bao hàm sự thống nhất giữa hai khái niệm "thần dân" và "quyền lực tối cao" .

Lại xin trả lời thêm rằng: nhập nhiều thành phố vào một thành bang là điều không hay. Như vậy tự nhiên sẽ có nhiều bất lợi. Không nên lấy sự lạm dụng của nước lớn dể phản bác sự lạm dụng của nước nhỏ. Nhưng làm thế nào để nước nhỏ đủ sức chống lại nước lớn? Làm như ngày xưa các thành thị Hi Lạp đã chống lại các vua lớn, và như Hà Lan, Thụy Sĩ gần đây kháng cự triều đình Áo vậy.

Tuy nhiên, nếu có thể dứt khoát qui định biên giới của quốc gia thì còn có một biện pháp nữa là đừng quan tâm nhiều dân thủ đô, để chính phủ luân phiên đóng đô ở mỗi thành phố và lần lượt tập hợp quốc dân về họp quanh mỗi thành phố đó.

Hãy làm cho dân cư đông đúc lên, để dân chúng khắp nơi đều hưởng như nhau. Hãy đưa lại khắp nơi sự sống phồn vinh; như thế quốc gia vừa mạnh vừa được cai trị tốt. Xin nhớ rằng hiện nay thành phố giàu sang là nhờ bóc lột nông thôn, mỗi bức tường ở thành phố đều xây bằng mảnh vụn của các ngôi nhà đổ sụp của lòng dân. Mỗi lần thấy cất lâu đài ở thủ đô, tôi lại tưởng mình đang nhìn cả nước biến thành những túp lều nghèo khổ.

14. TIẾP THEO

Khi dân chúng được tập hợp lại để thực hiện chức năng cơ quan quyền lực tối cao thì mọi thẩm quyền của chính phủ đều phải tạm đình chỉ; quyền hành pháp tạm gác lại; nhân cách của người công dân thấp nhất cũng thiêng liêng, bất khả xâm phạm như nhân cách của vi pháp quan cao cấp. Nhân dân trước đây được đại diện, bây giờ đã có mặt trên quảng trường, thì không cần ai đại diện cho họ nữa. Phần lớn các tranh luận huyên náo trong hội nghị toàn dân La Mã đều coi thường hoặc không biết đến nguyên tắc đại diện. Trong hội nghi toàn dân, các vị chấp chính quan chỉ là người chủ tọa cho dân chúng bàn cãi; các hộ dân quan chỉ là những diễn giả bình thường[12*]. Ở đây viện nguyên lão không có ý nghĩa gì cả.

Trong thời gian hội nghị toàn dân, người cầm đầu chính phủ thừa nhận hoặc buộc phải thừa nhận một thượng cấp hiện hữu.

Đây là thời điểm đáng lo nhất của vị nguyên thủ. Hội nghị toàn dân là dây cương cho cơ chế chính trị, là bộ hãm của chính phủ, đó là thời gian lo lắng của các thủ tướng, cho nên họ thận trọng, họ tranh biện, họ gây khó khăn, họ hứa hẹn, không từ một thủ đoạn nào để làm cho các công dân phải chán nản. Nếu các công dân trong hội nghị toàn dân tiếc lời nhẹ dạ, thích nhàn hạ hơn là tự do , thì họ sẽ không chống nổi sự cố gắng gấp bội của chính phủ; lúc đó kháng lực của chính phủ sẽ tăng lên không ngừng, quyền uy tối cao của toàn dân tắt dần; hầu hết các thành bang sẽ đổ sụp và suy vong trước kỳ họp.

Nhưng đứng giữa quyền uy tối cao của toàn dân là sự độc đoán của chính phủ, thường khi có xen vào một quyền lực trung gian mà ta phải bàn đến.

15. ĐẠI BIỂU HOẶC ĐẠI DIỆN

Đến một giai đoạn nhất đinh, công dân không coi việc phục vụ công cộng là việc chính của mình nữa. Họ thích đem tiền ra thuê người khác làm công vụ thay mình. Đó là lúc nhà nước suy thoái. Nếu phải ra trận, họ thuê người đi lính thay. Nếu phải tham dự hội đồng, họ chọn người đi họp thay. Cuối cùng dựa vào tiền bạc và tính lười biếng, họ sẽ có các đội quân để khống chế tổ quốc và có các đại diện để bán tổ quốc.

Sự rối rắm trong thương mại và nghệ thuật, lòng hám lợi, tính mềm yếu và thích tiện lợi đã chuyển các nghĩa vụ cá nhân thành tiền bạc. Người ta bỏ ra một phần thu nhập để lấy lại nhiều hơn . Hãy bỏ tiền ra, anh sẽ có xiềng xích để trói buộc người! Cái từ "Tài chính" đồng nghĩa với từ "Nô lệ" đấy ? Ngày xưa trong các thành bang người ta không biết đến từ này.

Trong một quốc gia hoàn toàn tự do, mọi công dân làm đủ mọi việc với bàn tay của chính mình, và không dùng đến tiền bạc đẽ thuê người khác làm thay. Chẳng những không thuê mướn, họ còn bỏ tiền ra để được tự mình tham gia làm nghĩa vụ.

Tôi đang đi khá xa ý kiến chung. Tôi cho rằng hình thức diêu dịch ngày xưa ít trái ngược với tự do hơn là hình thức mua bán, thuê mướn ngày nay. Quốc gia càng được tổ chức tốt, người công dân càng quan tâm đến việc chung hơn là việc riêng của họ (ND). Vả lại việc riêng cũng chẳng có bao lăm, vì phúc lợi công cộng đã bảo đảm phần lớn cuộc sống của mỗi cá nhân, nên người công dân không phải lo toan mấy tí cho cá nhân mình.

Trong một thành bang được cai trị tốt, người ta hồ hởi bay đến hội nghị toàn dân; trái lại trong các thành bang cai trị yếu, người ta không muốn cất bước đi họp, vì họ chẳng thích thú gì, chưa họp họ đã biết chắc rằng ý chí chung của nhân dân không được ai tôn trọng. Như vậy, trong thành bang xấu, mọi người đều bị bắt vào việc riêng để chăm lo lấy bản thân mình.

Luật tốt khiến cho các hội nghi toàn dân bàn nên việc tốt. Luật xấu thì hội nghị toàn dân chỉ dẫn đến chỗ tồi tệ.

Một khi có người bàn về việc nước mà nói: "Mặc kệ nó, can gì đến tôi", thì lúc đó có thể coi là đất nước không còn nữa.

Lòng yêu nước nguội dần, lợi ích cá nhân nhao lên, quốc gia bị dàn trải ra, các cuộc chinh phạt, các vụ nhũng lạm của chính phủ, tất cả những cái đó khiến cho người ta nghĩ đến việc chỉ định đại biểu thay mặt dân chúng để dự các hội nghi quốc gia. Ở một số nước, người ta gọi lớp đại biểu dân chúng là "thứ dân". Như vậy lợi ích tư nhân được đặt lên hàng đầu và hàng hai, lợi ích công cộng bị đẩy xuống hàng thứ ba.

Chủ quyền tối cao của toàn dân là không thể dùng người đại diện được, do đó nó cũng không thể bị xóa bỏ; nó nằm ngay trong ý chí của toàn dân, là ý chí chung thì không ai nói thay được. Nó là thế này, hay là thế khác chứ không chế ở dạng trung gian. Các đại diện nhàn dân không phải và không thể là người thay mặt nhân dân được; họ chỉ có thể là những ủy viên chấp hành, chứ không thể thay mặt nhân dân để kết luận một vấn đề gì dứt khoát. Mọi đạo luật mà dân chúng chưa trực tiếp thông qua đều vô giá trị, không thể gọi là luật được.

Nhân dân Anh tưởng mình là tự do; thật ra họ lầm to. Họ chỉ tự do trong khi đi bầu các đại biểu nghị viện mà thôi; bầu xong đại biểu họ trở lại là nô lệ, không còn là cái thá gì nữa. Trong những ngày tự do ngắn ngủi đó, cái quyền tự do họ được dùng thật xứng với cái mất tự do phải chịu sau đó.

Tư tưởng "đại biểu' là tư tưởng hiện đại, nó nảy sinh từ chính phủ phong kiến, một thứ chính phủ bất công, mơ hồ, trong đó tính cách con người bị thoái hóa, danh hiệu con người bị xỉ vả.

Trong các nền cộng hòa cổ xưa, ngay chế độ quí tộc cũng thế, không bao giờ nhân dân phải dùng đại biểu; người ta không hề biết đến cái từ ngữ "đại biểu" ấy.

Ở La Mã, các hộ dân quan được coi trọng một cách thiêng liêng. Không ai nghĩ rằng họ dám xâm phạm chức năng của dân chúng. Ngay trong đám đông ít người có thể nhận mặt họ, họ cũng không bao giờ bỏ qua một cuộc biểu quyết toàn dân. Chỉ đến thời anh em Gracques (55) người ta mới phê phán các hộ dân quan. Thời ấy dân chúng thường huyên náo , gây lúng túng cho các hộ dân quan, có khi một số công dân leo lên cả mái nhà để bỏ phiếu cho bằng được.

Ở đâu luật pháp và tự do được đặt lên trên hết thì ở đấy không gặp trở ngại gì, mọi việc đều diễn ra đúng mức. Ở những nơi này, nhân dân có thể để cho các võ quan cận vệ làm những việc mà hộ dân quan không dám làm, vì dân chúng không sợ rằng các võ quan đó sẽ đại diện họ.

Tuy nhiên, cũng có lúc các hộ dân quan đại diện cho dân chúng. Muốn hiểu điều này chỉ cần liên tưởng đến trường hợp chính phủ đại diện cho cơ quan quyền lực tối cao.

Luật chỉ là sự công bố của ý chí toàn dân, cho nên trong quyền lực lập pháp không ai có thể đứng ra thay mặt toàn dân để làm ra luật. Nhưng trong quyền lực hành pháp thì có thể và phải có người đại diện cho dân chúng: vì quyền hành pháp chỉ là sự ứng dụng luật mà thôi.

Xem thế đủ biết rằng, nếu phân tích kỹ mọi việc, ta sẽ thấy rất ít quốc gia có luật chân chính. Thời cổ La Mã, các hộ dân quan không có quyền hành pháp, không bao giờ được đại diện cho dân chúng với quyền hạn của chức vụ mình. Chỉ khi nào hộ dân quan nắm lấy một phần chức vụ của chủ tịch viện nguyên lão thì mới có thể đại diện cho dân .

Ở Hi Lạp, việc nào dân chúng phải giải quyết thì dân chúng tự làm lấy hết. Dân thường họp luôn trên quảng trường. Ở đây khí hậu dịu mát, con người không tham lam, các nô lệ làm việc của họ; việc chính của công dân là thực hiện tự do của mình, không có lợi thế ngang nhau làm sao nô lệ và công dân có thể hưởng quyền ngang nhau được ?

Nước nào khí hậu khắc nghiệt thì phải có nhiều nhu cầu hơn[13*]. Ở xứ lạnh mỗi năm mất sáu tháng không dùng được quảng trường để hội họp. Tiếng nói khàn khàn của dân xứ lạnh khó mà vang lên ở ngoài trời cho nên người ta quan tâm nhiều đến thu nhập hơn là tự do, người ta sợ túng thiếu hơn là sợ cảnh nô lệ.

Thế nào? chỉ có thể duy trì được tự do nhờ vào sự hầu hạ của nô lệ ư? Có lẽ thế. Hai cái thái quá gặp nhau mà! Trên đời này cái gì mà không có trở ngại; và xã hội dân sự là nơi có nhiều trở ngại nhất. Có những cảnh ngộ mà người ta muốn bảo vệ tự do của mình thì phải xâm phạm tự do của người khác. Người công dân được hoàn toàn tự do thì người nô lệ phải hoàn toàn nô lệ. Đó là cảnh huống của thành bang Sparte. Ngày nay, ở các dân tộc hiện dại, các bạn không có nô lệ thì các bạn phải làm nô lệ; các bạn phải đem tự do của mình bù vào cho người nô lệ mà bạn thiếu. Khoe khoang cái hay của các bạn ngày nay là không dùng nô lệ cũng chẳng ích gì; tôi thấy đó chẳng phải là nhân đạo mà là hèn nhát!

Nói như trên, không phải tôi nghĩ rằng cần có người nô lệ, hoặc tôi cho chế độ nô lệ là thỏa đáng đâu. Tôi đã từng chứng minh điều ngược lại. Ở đây tôi chỉ phân tích vì sao các dân tộc hiện đại tưởng mình là dân tộc tự do thì có chế độ đại diện, mà các dân tộc cổ xưa lại không cần đến người đại diện. Dù sao, khi một dân tộc tự đặt cho mình là những người đại diện thì dân tộc ấy đã hết tự do, không còn tự do nữa.

Xem xét kỹ các vấn đề trên, tôi thấy rằng từ nay về sau, muốn cho cơ quan quyền lực phát huy được tác dụng thì thành bang phải thật là nhỏ bé. Nhưng nếu thành bang quá nhỏ thì nó sẽ bị thôn tính mất thôi.

Sau đây tôi sẽ trình bày[14*] muốn kết hợp sức mạnh bề ngoài của một dân tộc lớn với chính sách dễ dãi và trật tự hoàn hảo của một quốc gia nhỏ bé thì phải làm như thế nào.

16. VIỆC THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ KHÔNG PHẢI LÀ KHOÁN ƯỚC

Một khi đã thiết lập xong quyền lập pháp hoàn chỉnh, cần thiết lập cả quyền hành pháp. Những điêu luật dùng để thiết lập quyền hành pháp không mang tính chất như luật cơ bản, và tự nhiên là quyền hành pháp tách biệt với quyền lập pháp.

Nếu như cơ quan quyền lực tối cao (tức lập pháp) có thể nắm cả quyền hành pháp, thì luật và hoạt động thực tế sẽ trùng hợp nhau đến mức không phân biệt được nữa, và cơ thể chính tri sẽ bị biến chất, phong bao lâu sẽ làm mồi cho bạo lực chống lại bản thân nó.

Khế ước xã hội đã qui định mọi công dân đều bình đẳng; cho nên điều mà mọi người phải làm thì mọi người đều có quyền bảo nhau làm; trái lại không ai có quyền buộc người khác làm điều mà tự mình không làm. Thế mà cơ quan quyền lực tối cao lại có quyền ra lệnh cho thủ tướng thành lập chính phủ, cái quyền này thật là cần thiết để làm cho cơ thể chính tri tồn tại và hoạt động.

Nhiêu người quả quyết rằng điều khoản thành lập chính phủ là một khế ước giữa dân chúng với các thủ lĩnh mà họ cử ra, khế ước này qui định một bên phải điều khiển, một bên phải phục tùng. Tôi chắc rằng rồi người ta sẽ thấy đó là một kiểu ký kết kỳ cục. Ta hãy xem quan điểm trên có đứng vững được không.

Trước hết, quyền uy tối cao mà bị sửa đổi thì nhất định sẽ bị xóa bỏ. Nếu hạn chế nó tức là phá hủy nó. Nếu cơ quan quyền lực tối cao còn đặt ra một cấp trên cho mình nữa thì thật là trái khoáy và mơ hồ. Tự buộc mình phải phục tùng một ông chủ tức là tự đặt mình trở lại tư thế tự do hoàn toàn.

Hơn nữa, bản ký kết giữa nhân dân với một số người nào đó sẽ chỉ là một điều khoản cá biệt, nó không thể là luật được, không thể là hành vi của chủ quyền tối cao được, bản ký kết đó không phải là khế ước hợp thức .

Ta lại thấy rằng hai bên ký kết bản khế ước bất hợp thức này sẽ tự đặt mình dưới qui luật thiên nhiên khác với mọi cung cách dân sự, chẳng bên nào bảo lĩnh phần trách nhiệm của mình đối với bên kia; ai nắm quyền lực, kẻ ấy sẽ làm chủ trong việc thực hiện khế ước; hắn ta sẵn sàng buộc đối phương ký một điều khoản: Tôi cho ông mọi thứ mà tôi có, với điều kiện ông sẽ trả tôi cái gì mà ông muốn trả.

Trong một quốc gia chỉ có một công ước. Đó chính là công ước kết hợp nhau lại thành xã hội. Chỉ có một công ước đó thôi, nó gạt bỏ mọi công ước khác (ND). Ta không thể nghĩ tới một thứ khế ước công cộng nào vi phạm bản khế ước duy nhất này.

17. VIỆC THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ

Nên hiểu điều khoản qui định việc thành lập chính phủ như thế nào? Trước hết, tôi thấy điều khoản này là một điều khoản hỗn hợp, bao gồm cả hai điều khoản khác: chế định ra luật và thi hành luật.

Với điều khoản chế định ra luật, cơ quan quyền lực tối cao qui đinh cơ cấu chính phủ theo một hình thức nào đó. Điều khoản này là một đạo luật.

Với điều khoản thứ hai (thi hành luật), nhân dân sẽ cử ra các thủ lĩnh trong chính phủ. Việc cử người này chỉ là một nghị định cụ thể chứ không phải đạo luật thứ hai. Nhưng nó chính là sự nối tiếp của đạo luật trên; đó là chức năng của chính phủ .

Điều đó hiểu ở đây là làm thế nào mà có được một nghi định của chính phủ khi bản thân chính phủ chưa tồn tại; làm thế nào mà nhân dân lại có thể trở thành thủ tướng hoặc pháp quan trong trường hợp nào đó.

Từ điều này ta lại phát hiện thêm một đặc điểm kỳ lạ của cơ thể chính trị là nó có thể hòa hợp được những biện pháp bề ngoài có vẻ trái ngược nhau. Thể hiện đặc điểm này có thể chuyển hoá từ quyền lực tối cao thành chế độ dân chủ mà không để lộ ra một nét thay đổi nào; trong mối quan hệ giữa mọi người với mọi người, công dân trở thành pháp quan, chuyển điều khoản tổng quát ra thành điều khoản cụ thể, chuyển từ điều khoản chế định luật sang điều khoản thi hành luật.

Việc chuyển hóa quan hệ như trên không phải là điều suy diễn ngoắt ngoéo, mà đã có tiền lệ trong thực tế. Ở nước Anh, hàng ngày Hạ viện chuyển thành Ủy ban để dễ bàn cãi công việc, rồi chuyển thành Tiểu ban của Triều đình tối cao, mà trước đó Hạ viện đã đóng vai trò như thế. Như vậy Hạ viện tự đặt mối liên hệ với chính mình với tính cách là thứ dân nghị viện khi thì làm việc như một ủy ban, khi thì làm việc như một Tiểu ban.

Đây là điều lợi thế riêng cho chính phủ dân chủ. Chính phủ có thể được thành lập chỉ bằng một nghị định giản đơn theo ý chí toàn dân; chính phủ lâm thời ra đời và được chấp nhận. Sau đó cơ quan quyền lực tối cao ban hành một đạo luật chính thức thành lập chính phủ . Mọi điều trong quá trình này đều hợp với qui tắc. Không thể thành lập mọi chính phủ hợp pháp nào mà không vận dụng các nguyên lý đã nêu ở trên.

18. BIỆN PHÁP NGĂN NGỪA NHỮNG VỤ CHÍNH PHỦ CƯỚP QUYỀN

Từ những điều phân tích trên, có thể khẳng đinh rằng điều khoản thành lập chính phủ không phải là khế ước mà là một đạo luật, như đã khẳng đinh ở chương XVI. Những người được ủy thác nắm quyền hành pháp không phải là ông chủ nhân dân mà chỉ là những công chức. Dân chúng có thề cất nhắc hay bãi miễn họ; họ không được phản kháng mà chỉ có phục tùng. Khi thực hiện chức năng được quốc gia giao phó chính là họ làm nghĩa vụ công dân mà không có quyền đặt điều kiện với nhân dân.

Nếu nhân dân phải lập ra một chính phủ quân chủ truyền ngôi trong giòng họ hoặc một chính phủ quí tộc truyền chức theo hạng bậc công dân, thì nhân dân vẫn không bị ước thúc gì cả. Các hình thức chính phủ đó chỉ là hình thức nhất thời do dân chúng lựa chọn; khi nào dân thích một hình thức khác thì họ sẽ thay đổi đi.

Thật ra những lần thay đổi hình thức chính phủ như vậy đều nguy hiểm. Chỉ nên thay đổi chính phủ khi nó không thể dung hòa với lợi quyền chung. Thận trọng như thế chỉ là vấn đề phương châm hành động chứ không phải là qui tắc pháp luật . Nước nhà không có nghĩa vụ phải trao dân quyền cho các thủ lĩnh và trao binh quyền cho các tướng lĩnh.

Thật ra, cũng khó mà theo đúng thủ tục qui định để phân biệt hành vi bình thường chính đáng với hành động phản kháng om sòm, phân biệt ý chí chung của toàn dân với tiếng hò la của bọn nghịch đảng. Chính vì thế mà trong trường hợp gay go dễ gây hiềm thù, người ta phải làm đúng theo luật, chỉ cho phép làm những điều mà luật pháp không ngăn cấm. Và cũng chính vì thế mà thủ tướng chinh phủ giành được lợi thế để giữ nguyên quyền lực . Ông ta có thể cứ chiếu theo luật mà hành động bất chấp dư luận nhân dân, mà nhân dân không thể nói là ông ta lạm quyền. Thủ tướng chính phủ có thể nói là mình sử dụng quyền hạn theo đúng luật pháp, thật ra ông ta tìm cách mở rộng quyền lực. Ông viện cớ "Cần cho dân chúng nghỉ ngơi" để kéo dài thời hạn triệu tập hội nghi toàn dân, chỉnh đốn trật tự. Ông thích cho người ta im lặng, tìm cách ngăn cản ai phá vỡ sự im lặng đó. Hoặc ông cố tạo một cái gì bất thường làm cho người ta sợ sệt rồi mượn cớ đó mà trừng phạt những ai dám nói năng, phê phán .

Các ông đại pháp quan La Mã ngày xưa, vốn chỉ được bầu ra hàng năm, nhưng họ xin kéo dài thêm một năm, rồi âm mưu kéo dài mãi mãi thời hạn cầm quyền bằng cách cấm các cuộc họp toàn dân. Cũng bằng biện pháp dễ dãi này, các thứ chính phủ trên đời, một khi nắm được quyền lực công cộng, đều tìm cách lạm dụng, thoán đoạt quyền lực tối cao của toàn dân.

Những cuộc hội nghị định kỳ mà tôi nói trên kia chính là để ngăn chặn, đẩy lùi tai họa cướp quyền như thế, nhất là loại hội nghị định kỳ không cần đến thủ tục triệu tập chính thức. Có như vậy, các vị thủ tướng chính phủ mới không thể cấm đoán hột nghị toàn dân. Nếu cấm tức là họ công nhiên tự thú nhận mình vi phạm luật, nghịch với quốc dân.

Mở hội nghị toàn dân như thế là nhằm mục đích bảo vệ hiệp ước xã hội. Trong hội nghị toàn dân nhất thiết phải nêu hai vấn đề:

Một là : Toàn dân có muốn giữ nguyên hình thức chính phủ hiện hữu hay không.

Hai là : Nhân dân có vừa lòng với sự cai trị của những người hiện đang được ủy thác hay không. Trên kia tôi đã chứng minh, và bây giờ tôi lại giả định điều này: Trong một nước không có đạo luật cơ bản nào là không thể bãi bỏ. Ngay cả công ước xã hội cũng có thể bãi bỏ. Nếu toàn thể công dân họp lại cùng đồng lòng bãi bỏ công ước cũ thì nó nhất định bị bãi bỏ một cách hợp pháp. Grotius tính dẫn cả trường hợp mỗi người công dân có quyền từ bỏ quốc gia mình, giành lại quyền tự do thiên nhiên và tài sản của mình rồi bỏ đi sang một nước khác. Điều mà một người làm được thì toàn dân họp lại tất nhiên phải làm được.

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. tỉnh trưởng tỉnh Pozenenie, quận công xứ Lorraine, thân sinh ra vua Tây Ban Nha.

[2*].Ngày xưa người ta dùng từ "tối ưu" (optimate) không phải với nghĩa "hay hơn cả" mà với nghĩa "mạnh hơn cả".

[3*].Điều rất quan trọng là phải dùng luật để điều chỉnh hình thức bầu cử pháp quan. Nếu để mặc cho vị nguyên thủ chọn người thì không tránh khỏi rơi vào thể loại chính phủ quí tộc gia truyền, giống như nền cộng hòa ở Venise và Berne. Nền cộng hòa Venise từ lâu đã thành một quốc gia tan rã: còn nền cộng hòa Berne thì vẫn duy trì được nhờ sự khôn khéo của vị trượng lão; đó là một ngoại lệ vẻ vang nhưng khá nguy hiểm.

[4*]. Machiavel là một người lương thiện, một công dân tốt. Nhưng ông bị trói buộc vào gia đình Médicis (47). Do sức ép của quốc gia mà ông phải ngụy trang lòng yêu tự do của mình. Trong cuốn sách "Ông Hoàng", ông chọn một tên thật đáng ghét làm nhân vật chính. Chỉ một điều đó đủ chứng tỏ ý tứ kín đáo của ông. Các phương ngôn ông nêu ra trong sách "Ông Hoàng" trái ngược hẳn với những điều ông viết trong tập: "Bài giảng về Titeux Lives" và tập "Lịch sử xứ Florence". Điều đó chứng tỏ rằng các bạn đọc của nhà chính khách sâu sắc này chỉ là những người hời hợt và hư hỏng. Triều đinh La Mã đã cấm đọc sách của ông. Tôi tin rằng ông đã miêu tả cái triều đình ấy thật rõ nét.

[5*]. xem Plutarque: "Danh ngôn các vua chúa và tướng lĩnh" - Mục 22.

[6*]. in oivili (Nói theo kiểu dân sự- ND)

[7*]. xem Tacite: "Lịch sử", t.I - tr.16 .

[8*]. Điều này trái với điều tôi đã trình bày ở trên (Chương 9- Quyển 2) về những điều bất lợi của một nước lớn. Đó là lúc phân tích quyền uy của chính phủ đối với các thành viên chính phủ. Còn ở đây nói về sức mạnh cuả chính phủ dể chống lại dân chúng; chính phủ có điểm tựa để đàn áp nhân dân ở xa, chứ không phải để đối phó trực tiếp với các thành viên chính phủ. Đòn bẩy dài chỉ mạnh đối với điểm xa, mà yếu đối với điểm gần.

[9*]. Bao nhiêu thế kỷ trôi qua đủ chứng minh nguyên tắc phát triển nhân chủng là nguyên tắc thỏa dáng nhất. Người ta đã từng ca ngợi quá mức các nước văn hoá nghệ thuật phát triển, mà không đi sâu vào đối tượng kín đáo của văn hoá, không nhìn thấy những hậu quả tai hại của nó; idque apud imperitos humanites vocabatur, quum parrs dervitutis caset (Câu la tinh có nghĩa là: Bọn ngu xuẩn cũng có trình độ nhất định do chúng học được truớc khi bị người ta nô dịch- Xem Tacite- Sách Agricole, Tập 1- ND)

[10*].Sự hình thành chậm chạp và quá trình phát triển của nền cộng hôa Venise (Venise - nước cộng hoà trong dạng chính phủ quí tộc, bao gồm nhiều đảo nhỏ và đầm lầy vùng biển Adriatique thời trung cổ rất phồn vinh, ảnh hưởng lớn đến các xứ Dalmatie, Lombardie và Albanie v.v... - ND) trong các đầm lầy của nó là một ví dụ đáng kể về sự sa đọa từng bước liên tục như thế. Điều đáng ngạc nhiên là hơn mười hai thế kỉ người Venise cứ ở nguyên trạng giai đoạn thứ hai (tức giai đoạn chính phủ quí tộc - ND); giai đoạn này bắt đầu từ Serra diconsiglio (thời "đóng cửa nghị viện" - ND) năm 1198. Còn các vị quận công thời cổ từng bị chê trách, ngay cả Squittinib della liberta Veneta (Chữ la tinh có nghĩa là tiếng nói giành tự do cho Vénétie - ND) cũng nói thế. nhưng thật ra các vị quận công đó chưa hề nắm quyền lực tối cao ở Venise.

[11*].Omnes enim et habentur et ducultur tyrani qui protestate utuntur perpetua in ea civitate quoe libertate usa est (Corn.Nep.in Mitiad n.8) (Những kẻ tự xưng và bị gọi là độc tài là kẻ cố tình nắm quyền trong nước mãi mãi để hứng thú tự do cho mình - Coocneli Nepot, bài số 8).

[12*]. Trong nghị viện nước Anh ngày xưa, người ta cũng dùng danh từ tương tự như thể. Chức danh giống nhau, nên chấp chính quan và hộ dân quan thường khi mâu thuẫn nhau. Mặc dầu như vậy, trong khi hội nghị toàn dân đang họp, thẩm quyền của họ đều bị tạm gác cả.

[13*]. Ở xứ lạnh mà dùng những thứ xa hoa, mềm mại của xứ nóng phương Đông thì chẳng khác nào đeo xiềng xích; lại còn bị lệ thuộc hơn người phương Đông nữa kia.

[14*]. Đây là vấn đề mà tôi định nghiên cứu trong phần sau của tác phẩm này. Khi phân tích các mối quan hệ bên ngoài tôi sê phải bàn tới hình thức liên bang. Đó là một vấn đề mới mà các nguyên lý chưa được vạch sẵn.