Site Originel




Xích lô - Thơ của những lực xung khắc 

điểm phim 

Tác giả: Thân Trọng Kỳ    


Xích lô - Thơ của những lực xung khắc

Thân Trọng Kỳ & Đinh Từ Bích Thúy

Nguyễn Hoàng chuyển ngữ sang tiếng Việt

Xuất hiện lần đầu trong Tập hợp những Chuyên luận Phim điện ảnh Quốc Tế Mỹ Á , ấn hành tháng 11 năm 1996 cho Liên hoan Phim Mỹ Á tại Washington DC

Xích lô (Cyclo), cuốn phim mới nhất của Trần Anh Hùng khiến gọi về trong tâm trí người xem một cuốn phim khác thoạt xét có thể nói là tương phản với nó, ấy là cuốn Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh, phim đã được trình chiếu như một phần của Loạt Phim Tới Từ Việt Nam ở Liên Hoan Phim Washington DC (D. C. Film Fest) vào năm 1992. Trong khi tác phẩm của Đặng Nhật Minh phản chiếu một Việt Nam làng quê vào thời kỳ giữa chiến tranh, chất chứa những trông mong bình dị và những lắng dịu thơ mộng, thì tác phẩm mới của Trần Anh Hùng ném chúng ta vào một Việt Nam hậu chiến, giai đoạn đổi mới - một Việt Nam đầy bạo lực đô thị và chìm trong phá sản đạo đức. Trong khi Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười cho người xem một tông ấn tượng cổ truyền, tiết chế, và hồ như mềm mại trì nãi, thì Xích lô dường phản ảnh một ghi nhận mạnh dạn, trẻ trung, xung động của Trần Anh Hùng về Việt Nam hôm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây Trần Anh Hùng nói ở cuốn phim này anh muốn nắm bắt năng lực và sự trì nản của con người Việt Nam - "hai đối lực làm nên một nhịp điệu." Có thế nói hai lực đối nghịch tương tự cũng chiếm phần chế ngự thể cách và nội dung phim của Trần Anh Hùng ở tác phẩm này. Là một người làm phim sinh ra ở Việt Nam nhưng trưởng thành tại Pháp, Trần Anh Hùng chịu ảnh hưởng của cả truyền thống văn hoá Âu châu và di sản Á châu. Trong khi cuốn phim Mùi Đu Đủ Xanh - cuốn phim ra mắt trước đây đã nhận được từ giới phê bình nhiều tán thưởng - bày tỏ một một cách tinh tế ranh giới thương lượng giữa hai nền văn hóa Đông Tây, Xích lô là một hành trình trở về nhà đượm tính tâm-thần-phân-liệt - một đối đầu không che giấu giữa người làm phim và Đất Tổ của anh ta. Cuộc đối đầu này được phản ảnh trong những hình ảnh tuôn trào (cathartic images) hỗn hợp từ khuynh hướng tân hiện thực của truyền thống phim Âu châu trong thời hậu chiến, khuynh hướng lãng mạn của Pháp, và những đặc thù phá cấu trúc kể truyện (anti narrative structure), nghiêng về “âm” tính, có rất nhiều trong âm nhạc và thơ ca Việt Nam.

 

Những xã hội hậu chiến chứa trong nó muôn vàn bi kịch - cú sốc tê dại của buổi sáng sau chiến tranh, ánh nắng chói lòa của thời chiến tranh chấm dứt. Nhà văn Pháp Georges Duhamel từng định nghĩa khuynh hướng tân hiện thực hậu chiến của Âu châu như là một phương thức thuật truyện mà thực tại vượt quá hư cấu (la realité depasse la fiction). Những xã hội Tây phương vào cuối Thế Chiến Thứ Hai đã từng được ghi lại trung thực qua những cuốn phim của Vittorio de Sica, Robert Bresson và Luis Bunuel. Ở cuốn Những Kẻ Bị Bỏ Quên (Los Olvidados) của Bunuel, người xem chứng kiến cảnh cực kỳ tàn bạo đã đổ xuống định mệnh của nhóm thiếu niên bụi đời phạm luật. Tóm lược, những cuốn phim tân hiện thực trong thời kỳ này nhào trộn những nhơ nhớp cám dỗ của phố thị pha cùng không khí siêu thực, như mơ, của một thế giới ngoại giáo đầy huyền thoại. Một tố chất chung của những cuốn phim này là ánh nhìn nhân bản sâu đậm.

 

Xích lô, ở mức độ hiển nhiên nhất, cho thấy ảnh hưởng của phim The Bicycle Thief (Kẻ Ăn Cắp Xe Đạp) của Vittorio de Sica. Một anh đạp xích lô ngây thơ mới vào nghề mướn xe để kiếm sống, giúp gia đình, cha già, chị và em gái. Khi chiếc xích lô mướn bị giật mất, cuộc đời anh bị lệ thuộc vào Mụ Chủ xe tượng trưng cho xã hội đen. Hành trình sa ngã, bị đánh mất trong trắng, rơi vào thế giới đen là chủ đề của phim. Ở mức độ này, cuốn phim mô tả cuộc xung đột giữa hai lực đối nghịch - lực ác và ý chí hướng thiện nội tại - khởi đi từ chủ hướng lãng mạn của Jean Jacques Rousseau, tác giả của câu nói: ‘Con người sinh ra thiện lành, nhưng xã hội vấy đục con người’. Sự thiện lành được biểu trưng bởi cuộc đời của người thanh niên đạp xe xích lô trước khi sa ngã, cái ác được phản chiếu qua sự tán tận đạo đức và bạo lực điên cuồng của xã hội Việt Nam trong giai đoạn vừa mở cửa cho cuộc gọi là đổi-mới.

 

Trần Anh Hùng mô tả xã hội Việt Nam hậu chiến như là một thế giới hỗn loạn, tùy tiện - một môi trường sống hối hả, dung tục, không thiếu tội phạm, đĩ điếm, thuốc gây ảo giác. Viễn kiến của đạo diễn, không may, đã bị giữ cố định suốt toàn cuốn phim như viễn kiến của một kẻ bên ngoài - ít khi nó xuyên thủng được bề mặt của những động thái. Ống kính quay đã thành công trong việc tạo dựng một bầu khí bốc nhiệt, nhưng nó không "đi vào trong" những nhân vật của phim. Không nhân vật nào mang một danh tính hay một cá tính riêng biệt. Họ đơn thuần là Anh Xe xích lô, Người Chị / Cô gái đĩ, Nhà thơ / Tay anh chị, Bà Chủ của xã hội đen, Đứa Con Trai Khờ. 

 

Sườn phim và cốt truyện lãng mạn truyền thống trên nguyên tắc sẽ nối kết ảnh hưởng của nghệ thuật với một thiên hướng hướng thiện của cá nhân. Sử dụng lối tiếp cận ẩn ức, hậu hiện đại, gợi lại "bi kịch giết cha của Oedipe" (theo sự nhận định của nhà phê bình Harold Bloom, là khuynh hướng của những nghệ sĩ hậu sinh muốn “giết” đi ảnh hưởng của các nghệ sĩ đi trước mình), Trần Anh Hùng nhắc nhở như một cách tôn vinh Rousseau đồng thời chất vấn chủ hướng lãng mạn dễ dãi của triết gia này. Qua nhân vật chính--con người phản-anh-hùng của Nhà thơ/Tay anh chị, Trần Anh Hùng kết nối bản tính bạo động với hồn thơ. Tuy nhiên, bản chất nghệ sĩ của Nhà thơ không thể cứu chuộc được khuynh hướng bạo động tàn ác của anh ta. Như một trùng hợp tình cờ, mối tương quan xung khắc giữa bạo lực và thơ đi song song với sự bất hợp nhất giữa những “tố chất” âm, dương trong phim. Như trong phim Mùi Đu Đủ Xanh, những nhân vật đàn ông trong Xích lô bị khuyết vắng ảnh hưởng của nhân vật người cha/người thầy. Sự thiếu hụt nhân vật người cha/người thầy chủ chốt được bù đắp bằng sự hiện diện trùm phủ đậm nét của những nhân vật nữ, mang tính mẹ (âm). Sự hiện diện của "âm tính" đảo ngược nhịp chuyển-động của phim, nó tạo ra những nhịp điệu ru lắng, phản cấu trúc thuật truyện—như ốc đảo giữa những xen bạo động, tra tấn, chết chóc của những vai nam. Vai Bà Chủ xã hội đen, khi vào phim, ngồi hát bài dân ca "Thằng Bờm," về câu chuyện của cậu Bờm không chịu đổi cái quạt mo cho lão phú ông, dù dược chiêu dụ tài vật giàu có, cho tới khi lão phú ông cho nắm xôi. Phim cảnh này vừa là cách tách ra khỏi cấu trúc thuật truyện thông thường, vừa là một ra biểu trưng cho những băn khoăn và nguyện ước vô vọng của những nhân vật chính trong phim: lòng khao khát được trở về với sự hồn nhiên của thiền tính, về với một thế giới dịu hiền ở đó nắm xôi thành hình từ tay mẹ là lý tính khởi nguyên (raison d'être).

 

Mặc dù nguyện ước vô vọng về trạng thái hồn nhiên này chất vấn cốt cấu lãng mạn truyền thống của Rousseau, nó không trở nên hoàn toàn mỉa mai. Cái nhìn của Trần Anh Hùng vẫn nằm trong cốt cấu nhân bản của những người làm phim tân hiện thực. Khác với tên du đãng không thể sám hối trong tiểu thuyết A Clockwork Orange của Anthony Burgess, với thú tính hoang dã chống lại những toan tính trị-liệu phục-hồi của xã hội, mà ngay cả sự yêu thích của y cho bản Giao Hưởng thứ Chín của Beethoven cũng chỉ tăng cường bản năng giết chóc, thì vai Nhà thơ của Trần Anh Hùng làm như mang nặng một nỗi ăn năn thống khổ, bị đầy ải vĩnh viễn trong thế giới bí nghẽn vô luân. Tiếc rằng nhân vật này không có đủ “tính thơ” để có thể khơi dậy cảm thông của khán giả và làm dịu đi những hành vi tàn bạo của anh ta. Vai Nhà thơ trong phim không có ám ảnh bi thương lôi cuốn của Hamlet hay sự thành thực xiết dạ của Macbeth.

 

Người xem phim bắt đầu nhận ra một mẫu thức ở những tác phẩm của Trần Anh Hùng. Như ở Mùi Đu Đủ Xanh, Xích lô xem như cố tình chống lại cấu trúc kể truyện—nếu “cấu trúc kể chuyện” cũng là một tượng trưng cho “nam tính của một tác phẩm.” Dù đã có những cảnh bạo động kịch liệt, dù đã tạo được một khí hậu hậu chiến hỗn loạn, giòng truyện kể là một sự đánh lừa --nhân vật vai nam trong hai phim này cùng lắm chỉ khơi dậy một "mùi" hay một "bóng." Thực chất của cả Xích lôMùi Đu Đủ Xanh nằm trong tố thức cảm quan kiểu Proust--khơi dậy một cách mê đắm và thuyết phục nền tảng tính nữ, tính mẹ trong văn hoá Việt Nam. Trong khi phim Mùi Đu Đủ Xanh là một homage mang nhiều tính chất hội họa tôn vinh bối cảnh gia đình và xã hội Việt Nam, thì Xích lô là tôn vinh của Trần Anh Hùng dành cho thơ ca và âm nhạc Việt Nam.

 

Một trong những cảnh ấn tượng nhất của phim là đoạn mang màu siêu thực ở một quán cà phê Thành phố Hồ Chí Minh với chiếc trực thăng cũ làm phông vivant. Một ca sĩ xinh đẹp hát một ca khúc hoài cảm có tên ‘Hà Nội Phố’. Giọng ca sâu lắng, gợi mời. Ống kiếng quay dừng lại lâu hơn trên khuôn mặt của cô. Ca khúc với nền nhạc và ca từ dấy động của nó đột nhiên chế ngự cuốn phim như là một hiện diện có đời sống riêng của nó. Một lần nữa âm nhạc khuynh đảo và giảm trừ cấu trúc kể truyện của phim. Cặp tình nhân lẽ ra là những hiện diện chính trong phân cảnh lùi nhạt dần vào hậu cảnh.

 

Một cảnh khác của Trần Anh Hùng cũng cố tình phản ảnh sự khuynh đảo tính truyện (và sự chờ đợi thông thường của khán giả) là cảnh giữa một tay anh chị và một nạn nhân của hắn bị trói quấn lại bằng băng nhựa. Trước khi ra tay, tên anh chị ca một bài dân ca Nam bộ khá mùi. Rồi hắn lên giọng nghiêm chỉnh giải thích cho nạn nhân: "Bài này có ké thêm một nhịp ngoại, mày biết không ?" Một khán giả sành phim ở điểm này sẽ chực chờ một giải thích hay đối thoại về "nhịp ngoại," bởi vì đây là một khía cạnh đặc sắc của dân ca VN, hay ít nhất cũng chờ nghe một tiêu biểu về nhịp ngoại ở phần nhạc nền cho bối cảnh. Kỳ vọng này bị hụt hẫng. Tay anh chị đơn giản chỉ đâm vào cổ nạn nhân - vòi máu bắn vọt trở thành điệu nhạc im lặng chấm dứt phân cảnh.

 

Tóm lại, Trần Anh Hùng, dù chịu những ảnh hưởng của nghệ thuật tinh tuyển (eclectic) và dù có những đề kháng đối với cấu trúc thuật truyện, dường vẫn sở hữu một cốt tính Việt Nam. Tinh hoa ấy là sự hoà điệu những lực xung khắc, giữa phần hiếu kỳ luôn mở rộng cho kiến thức thế giới bên ngoài, mới mẻ; và sức đối kháng hun đúc từ nhiều thế kỷ để chống lại sự đồng hóa toàn bộ của ảnh hưởng ngoại xâm. 

 

Dù có những luận điểm dị biệt của một số nhà phê bình phim ảnh, những tác phẩm của Trần Anh Hùng đã tạo được một ấn tượng đáng kể trong cộng đồng người Việt hải ngoại, bởi những tác phẩm này có một độ chân thành rất cao, và tối hậu, chúng chứa đựng những cảm thông sâu xa.