DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
TINH HOA GIÁO DỤC QUỐC TẾ-2008
Lê Hồng Sâm
Thưa Bà Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh,
Thưa quý vị,
Thưa các bạn,
Tôi xin phép được thay mặt Tiến sĩ Trần Quốc Dương, bạn cùng học ngày trước
và bây giờ là bạn cùng dịch cuốn
Émile hay là về Giáo dục
của J. J. Rousseau, nói lên vài
cảm nghĩ của chúng tôi khi nhận giải thưởng ngày hôm nay.
Vinh dự và niềm vui mừng của chúng tôi được nhân lên vì giải thưởng dành cho
tác phẩm dịch này thể hiện sự chú ý đến vấn đề lớn, từ xưa tới nay bao giờ cũng là mối
quan tâm của bất kỳ người nào trăn trở về tương lai của dân tộc, về tiền đồ của đất nước,
đó là
Giáo dục,
mà tại thời điểm này, ở Việt Nam chúng ta,
việc chấn hưng
đã trở thành
nhiệm vụ cấp thiết, không ai không nhận thấy.
Với chúng tôi, giải thưởng này còn đặc biệt có ý nghĩa vì do Quỹ Văn hóa mang
tên chí sĩ Phan Châ Trinh, nhà ái quốc từng đọc và yêu mến J. J. Rousseau, từng coi
chấn
dân khí, khai dân trí
là nhiệm vụ cấp bách để đưa dân tộc đi lên.
Một may mắn, trong đó không khỏi có phần tất yếu - bởi thế cho phép tôi được
gọi là “duyên” - khiến chúng tôi được nhận giải từ tay bà Chủ tịch Quỹ, người phụ nữ
Việt Nam xuất sắc, cháu ngoại cụ Phan, người trước khi tham gia lãnh đạo đất nước, từng
trực tiếp lãnh đạo ngành Giáo dục, từng trực tiếp chăm lo đến các cháu học sinh, đến các
thầy cô giáo. Với tất cả niềm kính trọng và lòng yêu mến, chúng tôi xin cảm tạ Bà, đồng
thời trân trọng cảm ơn tất cả các nhà khoa học đã bỏ thời gian và công sức tham gia hoạt
động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Cuốn
Émile hay là về giáo dục
do chúng tôi dịch ở trong số 1000 tác phẩm tiêu
biểu cho tinh hoa tri thức nhân loại, mà Nhà Xuất bản Tri thức có kế hoạch giới thiệu.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản, đã kiên nhẫn và mạnh dạn thực hiện chủ
trương của mình, đáp ứng kỳ vọng mà người đọc đứng đắn đặt ở NXB, đáp ứng mong
mỏi chính đáng của người đọc là được tiếp cận các giá trị nền tảng, đích thực của văn hóa
Đông, Tây.
Chúng tôi cũng thân ái cảm ơn cô Hoàng Thanh Thủy, biên tập viên cần mẫn và
thông minh, đã chăm lo cho sự ra đời của cuốn sách, chẳng những với tinh thần trách
nhiệm cao mà còn với rung động và niềm thích thú của một cựu sinh viên Sư phạm, một
người mẹ trẻ, băn khoăn về công việc giáo dục không phải một Émile tưởng tượng mà
một chú bé cụ thể. Chúng tôi tin rằng với chỗ đứng, với tầm nhìn của một thanh niên trí
thức thế kỷ XXI, Thủy sẽ ứng dụng và suy tư về triết lý giáo dục của vĩ nhân thế kỷ
XVIII, sẽ học theo đồng thời vượt lên phương pháp sư phạm trong
Émile.
Tác phẩm của Rousseau dài, và như tác giả đã nhận xét, không phải khiêm tốn giả
hay để làm duyên: cấu trúc có khi không rành mạch, nghĩa của một số từ mập mờ, nhiều
ngoại đề, có những điểm, những ý lặp lại. Chúng tôi xin cảm ơn anh Bùi Văn Nam Sơn vì
bài giới thiệu rất hay của anh, bài giới thiệu uyên bác, đầy cảm hứng đồng thời thật mực
thước và sáng suốt. Riêng tiêu đề của bài đã giúp người đọc nắm bắt cái “thần” của tác
phẩm mà anh tóm lược gọn và rõ:
Émile hay là về giáo dục
Một triết lý giáo dục nhân bản
Dạy và học làm người
Anh đã hết sức khiêm tốn nói rằng mình vinh hạnh được giới thiệu tác phẩm,
chúng tôi hiểu anh vinh hạnh vì đây là tác phẩm của J.J.Rousseau, còn chúng tôi vinh
hạnh và cảm kích được anh giới thiệu bản dịch.
Cuối cùng, chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị và các bạn đã có mặt để chứng
kiến và chia sẻ niềm vui của chúng tôi những người được giải.
Lê Hồng Sâm
